Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sớm có Luật An ninh thông tin

Hà Phong| 10/03/2012 06:53

Nở rộ mua bán thông tin cá nhân

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nội dung số, thông tin khách hàng đang trở thành yếu tố sống còn với sự phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh bùng nổ mobile marketing (tiếp thị di động). Trong đó, dữ liệu quan trọng nhất chính là số điện thoại cá nhân - con đường nhanh nhất và tiện lợi nhất để tiếp cận với khách hàng. Vì vậy doanh nghiệp, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp phải làm nhiều cách để tiếp cận với kho hàng này nhằm mở rộng quy mô kinh doanh. Trong khi đó, khảo sát của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG cho thấy trên 47% doanh nghiệp Việt Nam chưa sử dụng công nghệ mã hóa các nội dung thông tin. Trong khi 90% doanh nghiệp các nước khác đều mã hóa để bảo vệ dữ liệu của mình khi đưa ra ngoài.

Với sự phát triển của internet, vấn đề an toàn thông tin phải được coi trọng và luật hóa. Ảnh: Nhật Nam

Có cầu ắt có cung, sản phẩm được rao bán nhiều nhất trên mạng internet hiện nay là tên tuổi, chức vụ, số điện thoại, số tài khoản, đặc biệt là khách hàng VIP mua chung cư cao cấp, mua bảo hiểm, xe hơi, vàng bạc, chứng khoán… Tại website muaban.sieumua.com, có người còn giới thiệu dữ liệu cá nhân của 1.000 giám đốc, tổng giám đốc, các quản lý cấp cao người Hàn Quốc tại Việt Nam; số điện thoại của 300 VIP, là chủ tịch hội đồng quản trị các công ty lớn nhất tại Việt Nam.

Trước sự bùng nổ của tin mời tải nhạc, bói toán, giới thiệu mẫu quần áo, ngân hàng khuyến mãi tăng lãi suất tiền gửi đầu năm… người tiêu dùng mới bắt đầu "thấm thía" nỗi khổ bị quấy rầy. Thậm chí, tin nhắn rác còn lừa người tiêu dùng bằng cách nhắn có quà tặng nếu soạn tin gửi đến số xyz nào đó. Nếu làm theo, ngay lập tức thuê bao đó bị trừ từ 15.000 - 20.000 đồng cho "quà tặng" là một lời chúc vô thưởng vô phạt. Không chỉ dừng lại ở việc moi tiền, làm phiền người tiêu dùng, việc khống chế khách hàng đã diễn ra. Cơ quan chức năng đã bắt giữ một số đối tượng có thông tin cá nhân và gọi điện đe dọa các giám đốc làm ăn mờ ám, ông chồng hám của lạ, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, phải nộp tiền vào tài khoản mới không bị bêu xấu...

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt, Phó trưởng phòng An ninh báo chí - Cục An ninh thông tin truyền thông (Bộ Công an) khẳng định, qua công tác điều tra truy xét, nhận thấy có hai nguồn chính để các đối tượng thu thập được các thông tin cá nhân: Đầu tiên và đáng kể là mỗi cá nhân chúng ta đã chủ quan khi công bố thông tin trên mạng internet như: Mạng xã hội như Facebook, twitter…, blog hay các diễn đàn trên mạng internet….

Nguồn thu thập thứ hai là các thông tin cá nhân khi cung cấp cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã không được bảo mật tốt dẫn đến lộ, lọt ra ngoài bởi một vài cá nhân trong chính các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Ngoài ra, các cá nhân, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến công tác bảo mật khi tham gia vào hệ thống internet toàn cầu vì đây cũng là điểm yếu có thể bị các hacker xâm nhập và lấy cắp thông tin.

Cần có Luật An ninh thông tin

Sử dụng thông tin cá nhân của người khác để kinh doanh là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam còn nhiều kẽ hở nên một số công ty vẫn có thể lách luật để trục lợi. Một trong những yếu tố quan trọng để ngăn chặn tin nhắn rác là cơ quan chức năng phải nắm được thông tin của các thuê bao trả trước, bởi gần như 100% tin nhắn đến từ các thuê bao trả trước. Tuy nhiên, đến nay, việc xác định độ chính xác của thông tin thuê bao trả trước vẫn còn là bài toán nan giải.

Với hành vi rao bán thông tin cá nhân, hiện đang có hai mức xử phạt hành chính. Theo đó, nếu doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ cho người sử dụng mà đem thông tin người sử dụng đó ra tiết lộ cho người khác bất kể vì lý do gì hoặc sửa thông tin phải chịu mức xử phạt từ 30-50 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 83/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông. Đối với cá nhân, thu thập thông tin của người khác từ nhiều nguồn khác nhau (từ bạn bè, danh sách kinh doanh buôn bán, danh sách đăng ký mua xe) đem bán sẽ phải chịu mức xử phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Chế tài trên chưa đủ sức răn đe trong khi những hậu quả mà nó mang lại vô cùng to lớn.

Giải quyết vấn đề này, dư luận cho rằng Chính phủ, Quốc hội cần ban hành Luật An ninh thông tin quy định về bảo mật thông tin, khung pháp lý đầy đủ về đối tượng, hình thức vi phạm cũng như hình phạt cụ thể theo hướng tăng nặng. Đây sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng xã hội chủ động bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng, nếu không muốn phải đối diện với pháp luật.

Trước mắt, nhằm hạn chế tối đa hành vi mua bán thông tin cá nhân, các doanh nghiệp cần bổ sung điều khoản bảo mật về khách hàng, nhân sự trong hợp đồng lao động, tránh trường hợp nhân viên lợi dụng sơ hở để đem bán hoặc cung cấp thông tin ra bên ngoài. Trong khi chờ chính sách mới, người dân cũng nên tự bảo vệ mình, không khai báo thông tin bản thân cho các đơn vị mà mình cảm thấy không yên tâm về khả năng bảo mật. Với những người thường xuyên nhận thư rác, điện thoại, tin nhắn ngoài ý muốn, có thể kiến nghị đến đơn vị gọi điện, gửi thư đừng làm phiền. Riêng các vụ việc có dấu hiệu hình sự như lừa đảo, đe dọa... hãy báo công an xử lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm có Luật An ninh thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.