Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sớm có hướng dẫn cụ thể về mặt hàng thiết yếu, được phép lưu thông

Tuấn Lương - Ảnh: Khánh Nam| 26/07/2021 20:33

(HNMO) - Đã xuất hiện tình trạng tấn công vào hệ thống phần mềm cấp thẻ hoạt động trên “luồng xanh” vận tải; phân bổ cho 12 địa phương “chia lửa” với Hà Nội trong giải quyết hồ sơ đăng ký cấp thẻ QR Code; lúng túng trong việc định nghĩa thế nào là “hàng thiết yếu”… là những nội dung đáng chú ý tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều nay (26-7).

Các lực lượng chức năng Hà Nội thực hiện đo thân nhiệt của lái xe.

Đã xuất hiện tình trạng tấn công mạng

Những ngày qua, số lượng hồ sơ phương tiện gửi đến Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đăng ký cấp mã QR Code hoạt động trên “luồng xanh” vận tải quá lớn, dẫn đến quá tải trong việc kiểm tra và giải quyết thủ tục.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sau 3 ngày triển khai cấp thẻ “luồng xanh”, Sở nhận được hơn 20.000 hồ sơ đề nghị cấp QR Code. Sở đã huy động 33 cán bộ, nhân viên làm việc 24/24 giờ để triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã cấp được hơn 7.000 giấy thông hành. Tuy nhiên, việc rất nhiều hồ sơ không đủ điều kiện, không đủ thông tin và những vướng mắc trong việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu được lưu thông qua địa bàn thành phố cũng đang trở thành nguyên nhân dẫn đến số lượng mã cấp chưa đáp ứng được nhu cầu.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để bảo đảm thời gian giải quyết đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện hoạt động trên “luồng xanh” được nhanh chóng, đồng thời giảm áp lực cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ngay trong ngày 26-7, Tổng cục đã có văn bản gửi 12 Sở Giao thông Vận tải khu vực phía Bắc (gồm: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hưng Yên, Tuyên Quang, Ninh Bình, Lạng Sơn và Hải Dương) để thực hiện điều chuyển một số lượng xe nhất định (sẽ chỉ điều chuyển các xe vận tải hàng hóa) hiện đã được gửi đến Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sang Sở Giao thông Vận tải các tỉnh nêu trên để tiếp nhận và giải quyết được kịp thời, nhanh chóng.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong vài ngày qua hệ thống cấp thẻ nhận diện phương tiện hoạt động trên “luồng xanh” đã liên tục ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng. Để tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm duy trì hoạt động của hệ thống được an toàn, thông suốt, ngăn chặn được các cuộc tấn công mạng từ bên ngoài, Tổng cục đã đề nghị Cục Tin học phối hợp, hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao bảo mật, chống tấn công vào hệ thống.

Lực lượng chức năng căng mình tại các chốt kiểm dịch ra, vào thành phố Hà Nội.

Lúng túng thế nào là “hàng thiết yếu”?

Mặc dù Bộ Công Thương đã có văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21-7-2021 về hướng dẫn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tuy nhiên còn có nhiều phản ánh từ phía doanh nghiệp vận tải, chủ hàng về những vướng mắc khi đăng ký vận chuyển những hàng hóa chưa có trong danh mục hướng dẫn của Bộ Công Thương và của một số địa phương, ví dụ như thức ăn gia súc, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất phát triển kinh tế… Điều đó cũng gây lúng túng cho các Sở Giao thông Vận tải khi xem xét cấp giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa (QR Code) cho các doanh nghiệp, người dân.

Ngay khi nhận được phản ánh về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có cuộc trao đổi ngay với 2 người đồng cấp của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị sớm có hướng dẫn, tháo gỡ.

Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ, đặc biệt là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố phải thường xuyên nắm bắt, tiếp thu những phản ánh của người dân, doanh nghiệp để phân tích, rà soát và điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế. Các địa phương phải xây dựng các phương án, kịch bản để ứng phó khi xảy ra ùn tắc.

Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25-7-2021, các trạm đều không kiểm tra xe có mã QR Code khi qua trạm; tăng cường kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 tại các điểm giao, nhận hàng hóa và lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về luồng tuyến cũng như vi phạm về xét nghiệm Covid-19.

Về quy định y tế đối với lái xe, yêu cầu thống nhất việc công nhận kết quả xét nghiệm theo hình thức test nhanh và RT-PCR; đề nghị các địa phương nghiên cứu bố trí bãi đậu, đỗ xe kết hợp với tổ chức chỗ nghỉ, xét nghiệm tại chỗ cho đội ngũ lái xe để không phải áp dụng cách ly y tế đối với lái xe khi đi về từ vùng dịch; ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ lái xe. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ đặc thù về các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, nhu cầu của địa phương để khẩn trương cập nhật bổ sung các loại hàng hóa được phép lưu thông.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể về mặt hàng thiết yếu, được phép lưu thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.