(HNM) - Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội theo quy định.
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn |
Trong đó, về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, để bảo đảm thống nhất trong quan điểm và phương thức triển khai thực hiện, cần quy định rõ việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy và học tập; tránh lãng phí, tạo độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa.
Đối với các chính sách, nhất là 2 chính sách mới về không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 95 của dự thảo Luật); về nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm (Điều 70 của dự thảo Luật), cần tiếp tục đầu tư đánh giá tác động của các chính sách mới đối với các đối tượng liên quan; quy định rõ điều kiện, thời điểm, lộ trình triển khai, dự kiến nguồn lực thực hiện. Làm rõ khả năng bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất và các điều kiện khác khi bổ sung quy định về chính sách học phí cho đối tượng phổ cập, chính sách lương nhà giáo, tín dụng sư phạm, giáo dục hòa nhập...
Ngoài ra, cần tiếp tục đánh giá tác động về tính khả thi của các chính sách mới được quy định trong dự thảo Luật khi nguồn lực bảo đảm chỉ giới hạn trong tỷ lệ 20% tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục - đào tạo. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách trên đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.