Góc nhìn

Cần phương án tổng thể cải cách tiền lương

Đình Hiệp 28/09/2023 - 06:40

Phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. Đây có thể coi là một “cú hích” cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.

Cải cách đồng bộ tiền lương từ khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến khu vực doanh nghiệp, người lao động là vấn đề không mới, song luôn thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Đến nay, nước ta đã có 4 lần cải cách chính sách tiền lương, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo động lực nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Theo dự kiến vào tháng 10 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, mục tiêu quan trọng là xây dựng một chính sách tiền lương đồng bộ, hài hòa giữa khu vực công và khu vực tư.

Để chính sách tiền lương trở thành “cú hích” cho thị trường lao động như khẳng định của người đứng đầu Quốc hội, trước tiên cần đổi mới tư duy trong cải cách chính sách tiền lương, chi tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức chính là chi cho đầu tư phát triển. Trong đó, cần bảo đảm tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng; tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động trên thị trường và hướng tới sự công bằng, thực chất.

Cùng với đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương, bộ máy hành chính cũng cần được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo nhằm giảm nhân lực dư thừa, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với giá trị sức lao động. Trong đó, tinh giản biên chế là khâu đột phá quan trọng, tinh giản về số lượng phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác tuyển dụng người có đức, có tài cũng phải song hành với việc đào thải người không đủ trình độ chuyên môn, năng lực phẩm chất và thiếu đạo đức ra khỏi nền công vụ.

Một giải pháp không kém phần quan trọng là tạo nguồn ngân sách để tăng lương. Đây là một trong những bước đi đột phá để đưa chính sách tiền lương đi vào thực tiễn đời sống, tiền lương phải gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động. Vì thế, cần cơ cấu lại việc chi ngân sách bảo đảm hiệu quả để có cơ sở tăng lương.

Điểm mấu chốt nữa là quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương cần tiến hành đồng bộ với cải cách các chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương như: Cải cách hành chính, cải cách tài chính công; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội… Có như vậy, cải cách tiền lương mới thực sự trở thành “cú hích” cho thị trường lao động; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao giá trị lao động và hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần phương án tổng thể cải cách tiền lương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.