Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách tiền lương - Việc cấp bách, hệ trọng

Quỳnh Anh| 04/06/2023 05:57

(HNM) - Trong tuần, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, qua bốn lần cải cách tiền lương, thực tế mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay khá thấp. Đã đến lúc cần một chính sách tiền lương đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động… Ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của đông đảo đại biểu tại nghị trường Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.

Việc cải cách chính sách tiền lương cán bộ công chức, viên chức không mới nhưng luôn là vấn đề “nóng” bởi liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng quan tâm, sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu nhiều lần. Qua đó, tiền lương của cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện chính sách tiền lương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, còn có những hạn chế, bất cập nhất định. Mức lương của cán bộ công chức, viên chức thấp hơn thu nhập cần phải có để bảo đảm mức sống.

Thực hiện lộ trình tăng lương theo quy định, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP (ngày 14-5-2023) quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đây là cố gắng lớn của Chính phủ sau hơn 3 năm giữ nguyên mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song, nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện, với mức tăng này, tiền lương của cán bộ công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Lương thấp nên nhiều công chức, viên chức phải làm “chân trong, chân ngoài”, sao nhãng, bỏ bê công việc chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và viên chức như tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu vòi vĩnh, lười biếng theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, “chân ngoài dài hơn chân trong”, không chuyên tâm với công việc...

Rõ ràng, việc cải cách chính sách tiền lương là một nhu cầu cấp thiết. Đó không chỉ là mong mỏi của mỗi cán bộ công chức, viên chức mà cũng là để phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước, khi nước ta hội nhập toàn diện với thế giới. Hơn nữa, Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp cũng đã đưa ra lộ trình cải cách tiền lương, đặt mục tiêu đến năm 2030, công chức sẽ sống được bằng lương thì hơn bao giờ hết cải cách tiền lương càng trở nên cấp bách, hệ trọng.

Việc điều chỉnh mức lương sẽ tạo động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, giảm bớt tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc. Đây là việc cấp bách cần làm ngay, nhưng chưa đủ, cần phải tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất. Nói một cách khác, phải làm cho được tiền lương là thu nhập chính, bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ; thu hẹp khoảng cách lương nhà nước và lương doanh nghiệp. Chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế.

Một chính sách tiền lương đúng đắn có tác động thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến xã hội. Hiện nay, cuộc cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang diễn ra gay gắt. Nếu như không có một chính sách tiền lương hợp lý thì chúng ta có thể “thua ngay trên sân nhà” trong cuộc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nghị quyết số 27-NQ/TƯ đã nêu một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện cải cách chính sách tiền lương là quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương. Dự kiến, tháng 10-2023 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương. Với những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, có thể tin tưởng, các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TƯ sẽ đạt được. Tiền lương thực sự sẽ là nguồn thu nhập chính và bảo đảm được đời sống, từ đó giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục gắn bó, cống hiến sức lao động, tinh thần sáng tạo để cùng chung tay phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải cách tiền lương - Việc cấp bách, hệ trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.