(HNMO) - Thảo luân tại hội trường về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 15/11, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về các quy định liên quan đến tiêu chuẩn của người ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng, tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội trong dự luật còn quá chung chung, nhất là các quy định về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức. Dự luật chưa đưa ra được những đổi mới căn bản về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu.
"Tôi cho rằng nếu dự thảo luật không luật hóa được những tiêu chuẩn cụ thể về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của người ứng cử sẽ là một rào cản lớn cho cử tri khi cầm lá phiếu để bầu chọn một người có đủ đức, đủ tài để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”, đại biểu Vinh nói.
Đại biểu Vinh cho rằng, Ban soạn thảo nên nghiên cứu, đưa ra được những tiêu chuẩn cao hơn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội như trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác, đạo đức, bản lĩnh; phân biệt rõ tiêu chuẩn giữa đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm với đại biểu Quốc hội chuyên trách, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội khác với tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân…
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội cũng chung nhận xét, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong dự thảo còn chung chung, chưa có gì mới. Thực tiễn mấy nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đều có những vấn đề mà các tổ chức bầu cử Quốc hội và cử tri phải quan tâm xử lý như: có những khu vực bầu cử, cử tri cho rằng, người ứng cử không bảo đảm sức khỏe, bản thân và gia đình chưa gương mẫu, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, khiến các tổ chức bầu cử phải vất vả để hiệp thương lựa chọn nhân sự vào các bước sau; có trường hợp người ứng cử đã được công nhận trúng cử, nhưng sau đó quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo hay quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu có vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn người ứng cử trong quá trình bầu cử của đại biểu... Vì vậy, dự luật cần quy định rõ tiêu chuẩn thế nào là người có sức khoẻ, tư cách, đạo đức, tác phong, lối sống…
“Hồ sơ ứng cử của người ứng cử phải thêm quy định có xác nhận về sức khoẻ, xác nhận bảo đảm của người có thẩm quyền, cơ quan giới thiệu. Nếu chỉ quy định người ứng cử chỉ cần có đơn, tiểu sử tóm tắt, sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thì quá lỏng lẻo. Nếu chúng ta thực sự quan tâm rà soát, sửa đổi kỹ nội dung này, Luật bầu cử lần này được ban hành sẽ góp phần tích cực nâng cao một bước chất lượng, năng lực của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”, đại biểu Khánh nói.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương - TP Hồ Chí Minh, dự luật phải có sự phân hóa giữa tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vì họ có vai trò, vị trí, nhiệm vụ khác nhau. Căn cứ vào tiêu chuẩn cụ thể này để hiệp thương giới thiệu cho đúng người và cũng căn cứ vào tiêu chuẩn này người dân biết để lựa chọn, bầu những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, của nhân dân.
“Quốc hội, Hội đồng nhân dân là những cơ quan dân cử, đa dạng về trình độ học vấn, nhưng những người đại diện các cơ quan này đều phải là người có trí tuệ, đại diện cho dân tộc, các thành phần trong xã hội. Tôi thấy cần phải tìm những người đại diện cho ý chí, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có tình cảm với nhân dân. Khi đã có tình cảm với nhân dân, tức là đại diện cho số đông thì họ không ngại gì vượt qua nhóm lợi ích, không sợ thiểu số chống lại nhân dân”, đại biểu Đương nói.
Về sự phân hóa giữa đại biểu kiêm nhiệm với đại biểu chuyên trách, theo đại biểu Đương, đại biểu chuyên trách là người chuyên tâm làm chính sách, pháp luật, đề xuất làm chính sách, pháp luật thì phải nói được, đề xuất được chính sách, thể hiện được ý tưởng của mình, ý chí của Quốc hội thành văn bản quy phạm pháp luật. Cho nên, đại biểu chuyên trách phải là chuyên viên cao cấp, phải có thời gian làm thực tiễn trong lĩnh vực mà mình sẽ được phân công về Ủy ban đó trên 10 năm.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị phải nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội.
“Tôi thấy những nước có ứng cử đại biểu Quốc hội, người ta phải điều tra lý lịch. Nói chung người ứng cử phải trong sạch trước luật pháp, đạo đức chứ không đơn giản như quy định của dự thảo. Quốc hội quyết định những vấn đề quốc kế, dân sinh, nói nôm na ngày xưa ta gọi giống như “phép vua”, còn Hội đồng nhân dân xã quyết lệ làng, phép vua, lệ làng giống nhau, một tiêu chuẩn là không ổn”, đại biểu Lịch nói.
Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.