Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cần nhìn nhận khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Đại tá Đỗ Mạnh Cường 13/03/2024 - 07:38

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vì thế, nước ta đã không ngừng nỗ lực để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của mọi người dân; coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau...

Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái để giúp dư luận trong và ngoài nước có cái nhìn khách quan, đúng đắn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam chính là một trong những biện pháp tích cực nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Luận điệu vu cáo, xuyên tạc trắng trợn

Thời gian qua, một số đối tượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam ráo riết tìm mọi cách xuyên tạc, tung ra những thông tin sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Chúng lợi dụng mạng xã hội, đặc biệt là một số trang như Việt Tân, Nhật ký yêu nước, VOA, BBC News, Tin tức Hoa Kỳ, Hoa Kỳ Channel... lu loa rằng “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận”, “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “ngăn cản hoạt động tôn giáo”; “Việt Nam thiếu tự do, hạn chế quyền của công dân”.

Các phần tử cơ hội chính trị và chống đối luôn cho rằng “ở Việt Nam không có dân chủ vì thực hiện chế độ nhất nguyên, nhất Đảng”... Chúng bóp méo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mưu đồ kích động mâu thuẫn, kích động biểu tình, bạo loạn gây mất trật tự an ninh chính trị và an toàn xã hội.

Không những vậy, trên một số diễn đàn quốc tế đa phương và song phương, có nước vẫn giữ thái độ thiển cận luôn xoáy vào vấn đề cho rằng, nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam hiện nay không còn phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, đòi Việt Nam thay đổi cách tiếp cận theo quan điểm nhân quyền của họ.

Phải thấy rằng, từ trước tới nay, sự đánh giá sai lệch, luận điệu vu cáo, xuyên tạc trắng trợn về nhân quyền Việt Nam của các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài và một số người bất mãn, cơ hội trong nước thường dựa trên cách nhìn méo mó với những luận điệu cũ rích, thâm thù, tức tối dai dẳng trước sự phát triển của đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đối tượng luôn tìm mọi cách xuyên tạc hòng phủ nhận những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đạt được trong gần 40 năm đổi mới đất nước. Đây là một trong những chiêu bài thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cũng như của cả hệ thống chính trị; đồng thời, đó là một trong những biện pháp tích cực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Quan điểm nhất quán của Việt Nam về nhân quyền

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam; được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ; được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; được thực hiện tích cực, có trách nhiệm trong quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người. Điều này được thể hiện rõ ngay từ bản “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2-9-1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp đó, Bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do tín ngưỡng; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn đề ra những chủ trương đúng đắn về bảo đảm quyền con người. Nổi bật là Chỉ thị số 12-CT/TƯ ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) “Về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”, đã xác định những nội dung cốt lõi nhất về quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề quan trọng này. Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Bên cạnh việc chế định quyền con người trong Hiến pháp, Nhà nước chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Chỉ tính từ khi Hiến pháp năm 2013 đến nay, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng các đạo luật theo nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ.

Trong quy trình xây dựng pháp luật, các dự thảo luật đều được công bố rộng rãi, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp của nhân dân. Những thành tựu đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người. Do vậy, đâu đó những luận điệu xuyên tạc về việc “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “Việt Nam vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân”... là hoàn toàn không đúng sự thật.

Thực tiễn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc

Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) năm 2023… Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí”...

Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc và tính ưu việt của chế độ ta được phát huy lên một tầm cao mới. Đây là những minh chứng thuyết phục, rõ nét nhất về quyền dân chủ, quyền con người được thực hiện ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch thường xuyên tạc, vu khống Việt Nam “bóp ngặt” tự do ngôn luận, báo chí. Tuy nhiên, đó chỉ là những xảo ngôn thiếu căn cứ. Bởi bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được thông tin cho mọi người dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Các quyền này được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật; được bảo đảm ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể thấy, không có một quốc gia nào “bóp ngặt” tự do ngôn luận, báo chí mà lại có số lượng các cơ quan báo chí đông đảo, với đầy đủ các loại hình và phát triển mạnh mẽ như vậy. Lại càng không thể là một quốc gia đứng tốp đầu về tốc độ phát triển internet và người dùng mạng xã hội như Việt Nam. Hiện nay, nước ta có 797 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 670 tạp chí; đến tháng 1-2023, Việt Nam có 72,1 triệu người dùng internet, tương đương 73,2% dân số; có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số và khoảng 161,6 triệu kết nối di động đang hoạt động, tương đương 164% dân số.

Về tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhất quán tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; mọi công dân có quyền theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,7 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, hơn 55 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc, gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Đoàn công tác liên ngành và chức sắc tôn giáo của Việt Nam, trao đổi về thành tựu và chính sách tôn giáo, từ ngày 10 đến 22-10-2023, phía Hoa Kỳ đã ghi nhận những thành tựu, kết quả đạt được của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Về bình đẳng giữa các dân tộc, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng vai trò của việc phát huy ý chí, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều 5, Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ, các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Điển hình như Quốc hội khóa XV có 89/499 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,8%.

Những kết quả trên là sự thật mà không một thế lực thù địch nào có thể đảo ngược, là sự khẳng định nhất quán rằng quyền dân chủ, quyền con người, quyền công dân đã và đang được bảo vệ vững chắc ở Việt Nam. Đó cũng là ý kiến phản biện đanh thép nhất đối với những luận điệu phủ nhận về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Ông Jean-Pierre Archambault, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt trong bài trả lời phỏng vấn năm 2023, nêu rõ: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”.

Việt Nam tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa, ký ngày 24-9-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ký ngày 18-12-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ký ngày 19-3-1982; Công ước về quyền trẻ em, ký ngày 20-2-1990… Những công ước này đều được luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, trong nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người; là đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết, hoặc trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận. Với những đóng góp to lớn đối với nhân quyền thế giới, Việt Nam xứng đáng khi trúng cử, trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam đã chứng tỏ ngay vai trò của mình trong lĩnh vực quyền con người trên phạm vi toàn cầu khi hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất diễn ra ngày 6-2-2023. Thêm nữa, việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 3-4-2023 đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

* *
*

Tóm lại, với chủ trương, chính sách đúng đắn, với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, Việt Nam đã đạt được những thành tựu không ai có thể phủ nhận trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Với ý nghĩa đó, tích cực đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là trực tiếp góp phần bảo vệ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo vệ những kết quả, thành tựu đạt được của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền và cũng là trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đại tá Đỗ Mạnh Cường
Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nhìn nhận khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.