Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu

Minh Ngọc| 12/03/2017 06:38

(HNM) - Ngày 11-3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) và câu chuyện quản lý”.


Thu - chi đang mất cân đối

Đến thời điểm này, quỹ kết dư của BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lên tới gần 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo dự báo, đến năm 2047, Quỹ BHXH sẽ rơi vào tình trạng thu không đủ chi.

Lý giải cho tình trạng này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, đến ngày 31-12-2016, Việt Nam có hơn 76 triệu người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó hơn 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 11 triệu người tham gia BHTN. Số người tham gia BHXH tuy đã tăng nhiều so với trước, song vẫn khó có thể đáp ứng mục tiêu đề ra là có ít nhất 50% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, 30% tham gia BHTN vào năm 2020.

Ông Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, người tham gia BHXH khi hết tuổi lao động được hưởng 75% lương là tương đối cao so với mức đóng góp. Tính trung bình, các đối tượng tham gia BHXH hưởng lương hưu trong thời gian 19 năm. Với mức đóng và tuổi nghỉ hưu như hiện nay, các đối tượng chỉ được thụ hưởng tối đa trong 10 năm, 9 năm còn lại do Quỹ BHXH chi trả. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao, sự hiểu biết về chính sách BHXH của người lao động còn hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của Quỹ BHXH.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, dư nợ BHXH, BHYT, BHTN ở thời điểm cuối năm 2016 là 7.580 tỷ đồng (bằng 3,2% kế hoạch thu). Tỷ lệ nợ đọng BHXH năm 2016 tuy thấp hơn những năm trước, nhưng có nhiều đơn vị nợ BHXH không còn tồn tại, nên rất khó đòi. Nguyên nhân khác được ông Phạm Lương Sơn đưa ra, là việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tạo điều kiện cho người bệnh được khám, chữa bệnh bằng chế độ BHYT ở tất cả các tuyến cũng khiến chi phí bảo hiểm tăng lên.

Từ thực tế đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, sự mất cân đối giữa nguồn thu - chi Quỹ BHXH là do sự mất cân đối trong việc đóng và hưởng là chủ yếu, không có chuyện tăng do chi phí quản lý hành chính hay mập mờ trong thu - chi.

Kiến nghị nhiều giải pháp

Trước thực trạng Quỹ BHXH đang phải “gánh” 9 năm lương hưu cho người tham gia BHXH, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết.

Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích, tuổi nghỉ hưu trung bình ở Việt Nam là hơn 53 tuổi, thấp vào bậc nhất thế giới. Độ tuổi nghỉ hưu trung bình của nhiều quốc gia là trên 60 tuổi, ở Nhật Bản đang là 67 tuổi. Trong điều kiện cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, người lao động có trình độ chuyên môn sâu ngày càng nhiều, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được tính đến. Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, tăng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp duy nhất giảm gánh nặng cho Quỹ BHXH, nhưng nó là giải pháp căn cơ, là đòi hỏi tất yếu khách quan. Bởi vậy, sau năm 2020, phương án tăng tuổi nghỉ hưu cần được bàn thảo nghiêm túc.

Cùng với giải pháp lâu dài là nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu, ông Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về BHXH; mở rộng đối tượng tham gia. BHXH Việt Nam sẽ xây dựng, đề xuất một số chính sách liên quan đến BHXH tự nguyện để chính sách này hấp dẫn hơn; sẽ công khai các doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng… Đồng quan điểm, ông Doãn Mậu Diệp kiến nghị, chế tài xử phạt đối với những trường hợp trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH cần được nâng lên, thậm chí có thể xử lý hình sự.

BHXH là “trụ cột” của an sinh xã hội. Thu, chi BHXH tốt, Quỹ BHXH kết dư thì các chính sách an sinh xã hội mới có thể thực hiện tốt. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, việc cân đối Quỹ BHXH cần được tính đến bằng chuỗi các giải pháp đồng bộ, khả thi.

"Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vừa bảo đảm tương quan giữa đóng và hưởng, vừa giải quyết việc thiếu hụt lao động khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu ngày càng giảm đi do mức sinh giảm. Đây là một trong các giải pháp để bảo đảm vấn đề an toàn, lâu dài cho quỹ hưu trí và tử tuất, đưa chế độ hưu trí về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già. Tôi xin khẳng định lại một lần nữa: Giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu không liên quan đến vấn đề chi phí bộ máy của cơ quan BHXH".

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.