Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc kỹ, tăng cơ hội trúng tuyển

Thống Nhất| 08/07/2017 07:01

(HNM) - Vấn đề khiến nhiều thí sinh lo lắng hiện nay là điểm thi cao sẽ dẫn đến điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ cao hơn.


Điểm trung bình các môn: 4,5 đến 6,5

Phổ điểm các môn thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mặc dù nổi lên hiện tượng “mưa điểm 10”, nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống về học tập. Theo ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, môn toán có 278 điểm 10, nhưng cũng có tới 761 điểm 0; 1.584 thí sinh có điểm từ 1 trở xuống (tức là mức điểm liệt); 49,2% số thí sinh có điểm toán dưới 5. Như vậy, phổ điểm thi khá rộng, điểm 10 có giá trị và là điểm số phản ánh thực chất năng lực thí sinh.

Trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Ảnh: Nhật Nam


Điểm số thực tế cho thấy, hầu hết các môn thi đều có điểm trung bình từ khoảng 4,5 đến 6,5 điểm; điểm trung bình dưới 5 chiếm tỷ lệ từ 40% đến 60%; số lượng bài thi bị điểm 0 và nhỏ hơn hoặc bằng 1 cũng tương đối lớn và có ở tất cả các môn thi. Môn toán dẫn đầu về số lượng bài thi đạt điểm từ 1 trở xuống; con số này ở môn hóa học là 886 bài; môn lịch sử 869 bài; môn vật lý 699 bài; môn ngữ văn 510 bài...

Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phổ điểm các môn thi cho thấy, giá trị của điểm trung bình gần sát với điểm trung vị. Cụ thể, môn toán có điểm trung bình là 5,19, điểm trung vị là 5; tương tự, với môn ngữ văn là 5,51 và 5,5; môn địa lý là 6,2 và 6,25. Điều này chứng minh tính chuẩn hóa của các đề thi, đồng thời cho thấy phổ điểm được phân tán tương đối rộng, kết quả thi đánh giá đúng năng lực học tập của thí sinh.

Đáng chú ý, môn lịch sử dù được ghi nhận đã có chuyển biến tích cực, khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều hơn so với các năm trước, song đây cũng là môn có nhiều điểm 0 nhất (501 bài). Trong khi hầu hết các môn có điểm trung bình trên 5,0 thì điểm trung bình của môn lịch sử chỉ là 4,6. Đây cũng là môn có tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm) gần như nhiều nhất (chỉ sau môn tiếng Anh) - với 61,9%, môn có điểm 10 gần như ít nhất - với 107 bài.

Điểm xét tuyển đại học không giảm

Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm sàn của các trường đại học, cao đẳng vào ngày 14-7. Tuy nhiên, năm nay công tác chấm thi hoàn thành sớm hơn 1 ngày, nên thời điểm công bố điểm sàn có thể cũng sớm hơn. Vấn đề khiến nhiều thí sinh lo lắng hiện nay là điểm thi cao sẽ dẫn đến điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, các dữ liệu hiện nay cho thấy điểm sàn đại học sẽ không thay đổi đột biến so với các năm trước, dự kiến khoảng 15 điểm, áp dụng cho tất cả các khối thi A, A1, B, C, D. Mức 15 điểm là tổng điểm 3 môn thi THPT quốc gia không nhân hệ số, chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Căn cứ vào mức điểm sàn, các trường đại học, cao đẳng sẽ xây dựng mức điểm xét tuyển vào trường cho phù hợp với yêu cầu của ngành nghề đào tạo.

Ý kiến của thành viên Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Giao thông - Vận tải cho rằng, mức điểm xét tuyển cao hay thấp còn phụ thuộc vào con số chính xác về số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng, sau khi điều chỉnh nguyện vọng tới đây. Nhà trường dự kiến mức điểm chuẩn năm nay không giảm, mà vẫn ổn định như năm 2016, từ 17 đến 22,5 điểm, tùy theo ngành.

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, thời điểm này, nhà trường chưa thể đưa ra mức điểm chuẩn cụ thể. Tuy nhiên, với đặc thù “đầu vào” của trường hầu hết là thí sinh có điểm giỏi, mức điểm xét tuyển năm nay chắc chắn không giảm mà sẽ tăng chút ít so với năm ngoái.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, từ ngày 15 đến 23-7, các thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký bằng hai cách, đó là: Điều chỉnh trực tuyến hoặc điều chỉnh trực tiếp. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga lưu ý, thí sinh cần bình tĩnh, cân nhắc kỹ trước khi quyết định điều chỉnh nguyện vọng. Nếu phổ điểm thi THPT của môn có trong tổ hợp xét tuyển lệch về phía bên phải, điểm trung bình trước đây là 5, nay tăng lên 6, thí sinh có thể hiểu là kết quả của mình phải nhích thêm một điểm mới có cơ hội trúng tuyển trường mà trước đó nghĩ là vừa khả năng. Trong trường hợp điểm thi không quá lệch so với dự kiến ban đầu, thí sinh không nên thay đổi nguyện vọng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý các em, trong đợt xét tuyển đầu tiên, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc kỹ, tăng cơ hội trúng tuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.