(HNMO) - Vụ việc phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội bị hành hung ngay trong dịp Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đã làm “nóng” các trang báo và phương tiện truyền thông. Sự việc đang được các cơ quan chức năng thụ lý và dư luận trông chờ vào sự nghiêm minh của pháp luật.
Tác nghiệp đúng quy định
Ngày 7-6, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ xử lý 2 đối tượng có hành vi cản trở, hành hung phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đang tác nghiệp. Ngay khi vụ việc xảy ra, Công an quận Đống Đa đã tạm giữ 1 đối tượng, đối tượng còn lại bỏ trốn cũng đã ra trình diện.
Trước đó, 14h25 ngày 6-6, nhóm phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tác nghiệp, sắp xếp máy để ghi hình việc mua bán quạt tích điện tại khu vực vỉa hè trước cửa hàng quạt điện số 19 phố Đông Các, khu vực Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) thì một người đàn ông xông ra, không cho quay phim, chụp ảnh.
Mặc dù được nhóm phóng viên giải thích khu vực tác nghiệp dưới lòng đường, ở nơi không có biển cấm quay phim, chụp hình, nhưng đối tượng trên vẫn lớn tiếng quát mắng, túm cổ áo và đạp ngã phóng viên quay phim T.T.C.
Sau đó, một đối tượng khác cũng lao vào tham gia hành hung. Đáng nói, ngay cả khi có người can ngăn và phóng viên T.T.C đã nằm gục trên đường, hai đối tượng này vẫn tiếp tục đấm, đá phóng viên. Thậm chí, khi phóng viên T.T.C được đồng nghiệp đưa lên xe ô tô của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, những đối tượng này vẫn đi theo và uy hiếp. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các phóng viên đã trình báo Công an phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa).
Nhận được tin báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã liên hệ với Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để đưa phóng viên vào cấp cứu, đồng thời đề nghị Công an quận Đống Đa, Viện Kiểm sát nhân dân quận Đống Đa khẩn trương xác minh, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm hành vi côn đồ, coi thường pháp luật của các đối tượng hành hung nhà báo; thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ nhà báo khi đang tác nghiệp đúng quy định pháp luật.
Ngay trong chiều 6-6, Đại diện Ban Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ quan đã trực tiếp vào Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thăm hỏi, động viên phóng viên T.T.C. Hiện phóng viên T.T.C vẫn đang điều trị tại bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương. “Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội kịch liệt lên án hành vi côn đồ, xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo và sẽ theo đến cùng vụ việc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phóng viên theo luật định”, Phó Tổng giám đốc, Thư ký Liên Chi hội nhà báo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Lê Thị Ánh Mai nhấn mạnh.
Xử lý thích đáng đối tượng vi phạm pháp luật
Vụ việc nhà báo bị hành hung nhanh chóng nhận được sự quan tâm của độc giả, nhiều người đã tỏ rõ sự bất bình. Bà Hoàng Thị Thắm, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) bày tỏ, không thể chấp nhận được hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp đúng quy định bởi đó là việc được pháp luật bảo vệ. Đề nghị cơ quan chức năng sớm kết luận để có chế tài xử lý đối tượng vi phạm pháp luật.
Với góc độ là người làm báo, nhà báo Ngân Tuyền, Báo An ninh Thủ đô cho biết: “Hành vi của 2 đối tượng hành hung nhà báo không chỉ cản trở hoạt động báo chí mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phóng viên. Luật Báo chí năm 2016 nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên...; chế tài xử phạt các hành vi trên cũng được quy định rất rõ. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi cản trở, hành hung nhà báo”.
Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo, có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng, phân tích: Đây là sự việc nghiêm trọng, xảy ra trong quá trình phóng viên hoạt động nghiệp vụ báo chí đúng pháp luật, gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và danh dự của người làm báo. Mặt khác, sự việc còn ảnh hưởng rất xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, gây tâm lý bức xúc, lo ngại trong đội ngũ những người làm báo.
Nhóm phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tác nghiệp đúng quy định, có thẻ nhà báo, trên máy quay cũng như xe ô tô đều có đầy đủ tên, logo và địa chỉ của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Nhóm phóng viên tác nghiệp ở khu vực cho phép, không thuộc khu vực bị hạn chế quay phim, chụp ảnh. Hành vi hành hung phóng viên của 2 đối tượng mang tính chất côn đồ, hung hãn, thể hiện sự xuống cấp về đạo đức. Ngay trong sáng 7-6, Hội Nhà báo thành phố đã chính thức có công văn gửi các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm nhóm người có hành vi hành hung phóng viên, nhằm đề cao sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật.
“Trong vòng 24h kể từ khi xảy ra vụ việc, nếu các đối tượng hành hung phóng viên không bị xử lý theo đúng quy định, Hội sẽ có công văn gửi đến các cấp cao hơn. Quan điểm của Hội là phải bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo và đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng vi phạm pháp luật; có biện pháp bảo đảm an toàn cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp theo luật định”, ông Kiều Thanh Hùng khẳng định.
Ngày 7-6, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã có công văn gửi Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đề nghị lãnh đạo Công an thành phố chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm người vi phạm.
Khoản 12, Điều 9, Luật Báo chí nêu rõ: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, đồng thời cũng là thông điệp thể hiện quyền tác nghiệp của người làm báo. Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm người vi phạm và bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo đã được pháp luật bảo hộ.
Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.