(HNM) - Hơn một tuần qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã tập trung tiếp xúc với cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII. Thời tiết nắng nóng lên tới 40 độ C đã không ngăn được đông đảo cử tri các địa phương đến dự tiếp xúc.
Ý Đảng, lòng dân
Có lẽ hiếm có đợt tiếp xúc cử tri nào của ĐBQH tại Hà Nội, ý kiến của cử tri lại tập trung nhiều vào một chủ đề như lần này. Hầu như ở cuộc tiếp xúc cử tri nào, số cử tri có ý kiến về Nghị quyết TƯ 4 cũng chiếm ít nhất là 1/3. Thực tế, ngay khi BCH TƯ Đảng ban hành Nghị quyết về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã mở ra trong dư luận xã hội một đợt sinh hoạt chính trị phong phú, sôi nổi hiếm có. Cử tri Phan Ba (phường Thành Công, Ba Đình) cho rằng: "Sự ra đời Nghị quyết TƯ 4 là minh chứng cho lòng quả cảm và trí tuệ của Đảng, khi đã thể hiện thái độ kiên quyết với những biểu hiện của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất". Đa số cử tri khẳng định Nghị quyết TƯ 4 có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định của đất nước và sự sống còn của chế độ. Sự ra đời Nghị quyết TƯ 4 như là một sự giải tỏa những nghĩ suy, lo lắng về những vấn nạn xã hội nhức nhối bấy lâu nay. Những lời lẽ chân thành, sâu sắc và bộc trực nhất đã được thể hiện trên các văn bản chính thống cũng chính là tâm sự của người dân, của đông đảo cử tri. Cử tri Phạm Quy (phường Thành Công, Ba Đình) nói: "Trung ương Đảng cần vào cuộc quyết liệt, không né tránh, nể nang. Tôi tin rằng toàn Đảng, toàn dân ta luôn đứng đằng sau ủng hộ". Cử tri đặt kỳ vọng, nếu thực hiện tốt nghị quyết này, Đảng sẽ mở ra một thời kỳ mới tươi sáng cho đất nước giống như Đảng ta đã làm được khi mở ra cánh cửa đổi mới năm 1986.
Hành động cụ thể ngay bây giờ
Sự ra đời Nghị quyết TƯ 4 đã đánh một mốc son về công tác khoa học, lý luận chính trị của Đảng ta. Không chỉ cho thấy khả năng nhận thức thực tiễn chính xác, sâu sắc, văn kiện mang tính lịch sử này còn cho thấy tính kịp thời có ý nghĩa sống còn. Tuy nhiên, những băn khoăn ngay từ khi Nghị quyết TƯ 4 ra đời là khả năng biến những điều tốt đẹp đó trở thành hiện thực sinh động sẽ ra sao. Khi vẫn có một khoảng cách đáng kể giữa lời nói và việc làm ở một số địa phương, người có trách nhiệm.
Ý kiến cử tri còn cho thấy một điều rằng không phải tìm kiếm xa xôi, càng không nên hiểu tính khả thi của nghị quyết là một khái niệm quá cao siêu. Vì trước mắt có rất nhiều việc cụ thể cần làm ngay và có thể làm ngay để hiện thực hóa những nội dung của nghị quyết. Đó là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo vừa được Ủy ban Thường vụ QH đề xuất. Có ý kiến còn cho rằng, không cần phải đợi đến năm thứ hai mà ngay năm đầu tiên không đạt phiếu tín nhiệm, QH cũng nên bãi miễn chức danh. Cử tri Hà Nội còn đề nghị mở rộng quy mô việc lấy phiếu tín nhiệm và từng bước triển khai từ cấp cơ sở đến trung ương. Đó còn là việc cử tri Hà Nội hết sức đề cao vai trò của các đại biểu QH và cơ quan QH trong việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Cử tri Vũ Mạnh Đam (phường Ngọc Khánh, Ba Đình) kiến nghị QH nên thể chế hóa Nghị quyết TƯ 4 để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Ý kiến khác kiến nghị QH ra nghị quyết thể hiện quan điểm mạnh mẽ về quyết tâm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 ngay tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.
Tất cả cho thấy tính khả thi của Nghị quyết TƯ 4 trong mắt cử tri, trong nhân dân rất cụ thể. Để hiện thực hóa các nội dung nghị quyết cũng vì thế phải có hành động rất cụ thể. Đó cũng chính là điều mà đông đảo cử tri và nhân dân đang gửi gắm ở Hội nghị TƯ 5 đang diễn ra và kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.