(HNM) - Từ cuối những năm 90, loại hình căn hộ chung cư cao tầng bắt đầu xuất hiện và có nhiều biến đổi. Việc tìm ra một thiết kế linh hoạt, nâng cao chất lượng không gian sống trong căn hộ chung cư đang được nhiều chuyên gia kiến trúc quan tâm.
Hà Nội bắt đầu chứng kiến căn hộ cao tầng đầu tiên tại Khu chung cư Linh Đàm cuối những năm 90. Các chung cư này cao từ 9 đến 12 tầng có thang máy, mỗi căn hộ có 2-3 phòng ngủ. Sự riêng tư của mỗi gia đình đã được cải thiện hơn so với các khu nhà tập thể trước đây. Những nhà chung cư được xây dựng sau tiếp tục được các nhà thiết kế quan tâm điều chỉnh không gian sống phù hợp.
TS.KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội đánh giá, trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây, các căn hộ được thiết kế tốt hơn, hạn chế nhiều điểm bất hợp lý của thời kỳ đầu. Đây là sự phát triển tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, việc tổ chức cơ cấu và không gian trong các căn hộ vẫn tồn tại nhiều bất cập, tác động trực tiếp đến chất lượng sống của cư dân.
Theo PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương, Trưởng khoa Nội thất và Mỹ thuật công nghiệp (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), Chủ tịch Chi hội Kiến trúc nội thất Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra một số nhược điểm của thế hệ chung cư cao tầng thứ nhất tại Việt Nam như khả năng mở rộng, biến đổi không gian chức năng thấp; nhiều không gian chức năng trong căn hộ không được thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên; hệ thống kỹ thuật khu phụ trợ phức tạp, khó khăn trong vận hành sửa chữa.
“Đến nay, dù vẫn giữ tốc độ phát triển “nóng” nhưng phần lớn các nhược điểm nêu trên chưa được cải thiện. Vì nhiều lý do chủ quan và khách quan như chủ đầu tư chỉ tập trung vào lợi nhuận thông qua diện tích sàn tối đa; nhà thiết kế chiều ý chủ đầu tư để thuận công việc; nhà quản lý chưa đưa ra được các tiêu chuẩn quy định kịp thời phù hợp với sự phát triển nóng của thị trường bất động sản… nên phần lớn các dự án nhà ở cao tầng hiện nay vẫn có chung bất cập nằm ở vấn đề cốt lõi là cấu trúc căn hộ thiếu linh hoạt và thông thoáng tự nhiên”, PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương nêu cụ thể.
Để tìm hình mẫu căn hộ chuẩn phù hợp cho người Việt Nam, theo quan điểm của KTS Trần Hữu Thọ, Giám đốc Thiết kế Công ty Vietdecor, một căn hộ chuẩn là căn hộ đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu công năng; bảo đảm tính thông thoáng và ánh sáng tốt; bảo đảm sự hợp lý trong việc bố trí các khu vực không bị chồng chéo hay vị trí không phù hợp; bảo đảm thói quen văn hóa sử dụng của người Việt Nam. Từ những yêu cầu trên, thiết kế mỗi căn hộ phải có tính linh hoạt giữa 3 khu vực: Không gian sinh hoạt chung, không gian phụ trợ và không gian riêng tư.
Đưa ra những quan điểm toàn diện, cụ thể, PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương cho rằng, yêu cầu linh hoạt trong tổ chức không gian căn hộ chung cư cao tầng mang tính tất yếu khách quan. Việc xây dựng các nguyên tắc thiết kế nhà ở cao tầng phải dựa trên các yếu tố ảnh hưởng tới tổ chức không gian sống như khí hậu, văn hóa, kinh tế kỹ thuật... Tổng hợp, đúc kết các nguyên tắc này cho thấy, căn hộ chung cư cao tầng cần được phân định thành hai không gian chức năng cơ bản là không gian ở linh hoạt và không gian phụ trợ. Trong đó, các không gian chức năng ở cũng như phụ trợ và thiết bị cần đáp ứng tối đa khả năng chuyển đổi linh hoạt theo các nhu cầu của người ở. Để bảo đảm tính hệ thống của không gian, nhất thiết phải tạo ra sự linh hoạt và đồng bộ ở các cấp độ khác nhau, từ tòa nhà đến căn hộ, từ căn phòng tới đồ đạc nội thất. Thiết kế nội thất cần được xem như một khâu trong quá trình thiết kế xây dựng chung cư cao tầng.
Căn hộ là những “tế bào” đóng vai trò quyết định trong thành công của việc tổ chức không gian sống trong thể loại nhà ở cao tầng. Từ các nguyên tắc được các chuyên gia kiến trúc đưa ra, nhà thiết kế có thể tham chiếu để đưa ra các giải pháp phù hợp; nhà quản lý có thêm những cơ sở trong việc xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn thiết kế nhà ở cao tầng hiện còn đang thiếu với kỳ vọng kiến tạo được một môi trường sống văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.