Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần một “nhạc trưởng” linh hoạt

Hương Ly| 13/07/2011 07:00

(HNM) - Diễn biến của giá thị trường 6 tháng đầu năm 2011 khá bất thường. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước đã tăng 16,03% so với cùng kỳ năm 2010, là mức tăng cao so với những năm gần đây.

Mặc dù CPI có xu hướng tăng chậm lại trong tháng 5 và tháng 6 do nhiều giải pháp kiềm chế của Chính phủ đã được triển khai, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, 6 tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều sức ép gây tăng giá.


Giá tiêu dùng tăng buc người dân phi “tht lưng buc bng”. 
nh: Bá Hot - Đàm Duy



Để ghìm cương tốc độ tăng CPI cả năm nay ở mức 15%, cần có một "nhạc trưởng" linh hoạt để giữ ổn định thị trường. Đây là vấn đề chính được thảo luận tại Hội thảo "Diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2011 và dự báo 6 tháng cuối năm" do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính tổ chức ngày 12-7 tại Hà Nội.

Sáu tháng, giá thực phẩm tăng hơn 22%

Tốc độ tăng giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tác động đến đời sống người dân và khiến nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng để đối phó. Theo nhận định của Cục Quản lý giá, 6 tháng qua, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng cao. CPI cả nước đã tăng 16,03% so với cùng kỳ năm 2010 và so với tháng 12-2010 đã tăng 13,29%. Trong "rổ" hàng hóa tính CPI, nhóm giao thông tăng cao nhất: 18,74%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 18,68%, trong đó giá thực phẩm tăng tới 22,21%. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã chiếm tới 56,136% mức tăng CPI.

Theo Cục Quản lý giá, một trong những nguyên nhân cơ bản gây sức ép tăng giá là do giá hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm và xăng dầu cùng các loại nguyên liệu cơ bản trên thị trường thế giới đã tăng mạnh. Theo thống kê của Tổ Điều hành trong nước (Bộ Công thương), giá nhập khẩu xăng dầu tăng 44%; phôi thép tăng 25%; khí đốt hóa lỏng tăng 25,23%; phân urê tăng 17,75%... Việt Nam lại phải nhập khẩu nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu nên tạo áp lực lớn tới việc tăng giá bán lẻ trong nước. Thị trường trong nước còn chịu áp lực lớn từ việc điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng từ mức 18.932 VND/USD lên 20.693 (tăng 9,3%). Việc tăng lương tối thiểu từ 13 đến 37% (tùy theo khu vực doanh nghiệp) và sự kiện điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, than cũng tác động lớn đến tốc độ tăng CPI.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội phân tích 3 nguyên nhân gây tăng giá, gồm: nguồn cung hàng hóa (trong đó có thực phẩm) giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh; tổng cầu tăng đột ngột do thương nhân Trung Quốc bất ngờ mua gom nhiều loại hàng của Việt Nam (đặc biệt là nông sản, thực phẩm) với giá cao gây mất cân đối cung - cầu. Trong khi đó, hệ thống phân phối lại tổ chức chưa tốt dẫn đến tình trạng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khó kiểm soát và không đồng nhất… Những yếu tố này góp phần khiến giá hàng hóa diễn biến bất thường và khó kiểm soát.


Đề xuất giải pháp bình ổn thị trường


Tại hội thảo, bên cạnh việc chỉ ra những nguyên nhân gây tăng giá, các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất những giải pháp nhằm giữ bình ổn thị trường những tháng cuối năm. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hệ thống phân phối hiện chưa tốt khiến hàng hóa phải đi lòng vòng qua nhiều trung gian, đẩy chi phí lên cao khiến giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên. Thêm vào đó, chuỗi phân phối của nước ta hiện còn rất rời rạc, chia cắt khiến nhà sản xuất không thu được lợi nhuận cao còn người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi do giá bán cao bất hợp lý. Ông nêu ví dụ về trường hợp giá đường tồn kho trong tháng 4 và 5 vừa qua tại các nhà máy chỉ khoảng 17.000 đồng/kg, nhưng giá cùng thời điểm tại thị trường bán lẻ vẫn ở mức 25.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do một số nhà máy đường chỉ giao hàng cho các tổng đại lý thân cận, còn siêu thị và cửa hàng bán lẻ lại không mua được từ nhà máy. Hiện tượng này còn diễn ra với sắt, thép, xi măng, thực phẩm và rau, củ, quả. Như vậy, việc buông lỏng khâu bán buôn đã dẫn tới hệ quả là giá bán lẻ không thể kiểm soát, tạo cơ hội cho một nhóm người đầu cơ, găm hàng, thao túng giá, góp phần khiến lạm phát tăng mạnh. Đề xuất giải pháp bình ổn thị trường, ông cho rằng, bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cần xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa đủ mạnh, đưa thẳng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng. Trong hệ thống này, các doanh nghiệp chủ lực phải nắm được hệ thống bán buôn để chi phối giá bán lẻ và thiết lập chuỗi sản xuất, phân phối hiệu quả.

Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, giá thị trường dự kiến sẽ tiếp tục biến động do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là quy luật tăng giá cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Song những giải pháp trong Nghị quyết 11-NQ-CP về kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô sẽ đóng vai trò "nhạc trưởng" giúp thị trường giá cả dần đi vào ổn định. Chính sách của Chính phủ về giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; tập trung nguồn vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh… vừa được ban hành sẽ tạo thuận lợi cơ bản, giúp nền kinh tế từng bước phát triển ổn định. Đặc biệt, trước tình trạng một số địa phương xảy ra hiện tượng giá lương thực, thực phẩm tăng cao trong những ngày đầu tháng 7, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát giá. Bộ Tài chính được giao chủ trì việc theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời ban hành chính sách thuế phù hợp, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần một “nhạc trưởng” linh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.