(HNM) - Rải rác thông tin, thiếu cơ chế đăng ký, tính khớp nối chưa cao… là những bất cập trong các quy định đăng ký tài sản tại Việt Nam hiện nay.
Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) Nguyễn Chi Lan cho hay, các giai đoạn mua bán, chuyển nhượng, đăng ký, công bố quyền đối với tài sản của nước ta hiện nay được điều chỉnh trong 64 văn bản quy phạm pháp luật, điển hình là Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giao thông đường bộ… 18 nghị định, 19 thông tư.
“Trong hàng chục văn bản trên, văn bản nào cũng có quy định về vấn đề đăng ký tài sản, thậm chí văn bản này dẫn lại văn bản khác. Nhưng việc đăng ký với mỗi loại tài sản được nhìn nhận theo góc độ khác nhau và phân tách theo chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành quản lý tài sản đó nên khó tránh khỏi tình trạng thiếu tính tổng thể, không rõ ràng, gây khó khăn khi thực hiện” - bà Nguyễn Chi Lan nói.
Những lỗ hổng lớn nhất hiện nay là, không tách bạch được đây là hoạt động hành chính hay dịch vụ công; thiếu thống nhất trong đăng ký quyền sở hữu; không nhất quán trong quy định công chứng bất động sản. Hiện mới có quyền đối với bất động sản liền kề là có cơ chế đăng ký với tên gọi “quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề”, còn quyền bề mặt, quyền hưởng dụng đối với bất động sản chưa có quy định của pháp luật về hồ sơ, thủ tục đăng ký.
Chẳng hạn, tài sản gắn liền với đất nằm ngoài phạm vi công trình chính thì không được chứng nhận quyền sở hữu, nhưng trên thực tế nhiều trường hợp là nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà bếp, nhà kho, nhà xưởng... vẫn được các tổ chức tín dụng nhận thế chấp. Có điều, cả tổ chức tín dụng và cơ quan đăng ký lại lúng túng, không biết xác định các loại nhà trên có phải là công trình phụ trợ hay không trong quá trình thực hiện việc đăng ký vì Luật Đất đai không quy định rõ.
Còn các quyền liên quan đến tài sản (cho thuê, cho mượn, mua, bán tài sản có chuộc lại, quyền hưởng dụng đối với động sản) được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đến nay cũng chưa có cơ chế đăng ký trong trường hợp người dân có yêu cầu.
Lỗ hổng pháp luật đăng ký tài sản hiện hành không những gây khó khăn khi thu thuế chuyển nhượng tài sản, trong việc công khai, minh bạch tài sản đối với công tác chống tham nhũng mà còn cản trở quá trình giao dịch, đưa tài sản vào khai thác sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Đơn cử, muốn tích tụ ruộng đất thì hiện tại nông dân và doanh nghiệp cần ký kết thỏa thuận về quyền sử dụng đất. Nhưng ký thỏa thuận rồi thì đăng ký tài sản đó ở đâu? Nếu nông dân trước đó đã đem thửa đất đi giao dịch thì quyền lợi của doanh nghiệp xử lý ra sao... đều chưa rõ.
Theo luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội), cần ban hành Luật Đăng ký tài sản, trong đó chú trọng tới vấn đề đăng ký sở hữu tài sản để từng bước khắc phục tình trạng tài sản “trôi nổi, bong bóng” như hiện nay. Nếu đề xuất này được thông qua, Luật Đăng ký tài sản là tiền đề xây dựng dữ liệu và khai thác thông tin về tài sản; điều chỉnh tổng thể, toàn diện các quy định cốt lõi nhất của hoạt động đăng ký tài sản nói chung, đăng ký bất động sản, động sản và đăng ký các quyền đối với tài sản nói riêng...
Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Yến, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng, việc đăng ký tài sản không thể tùy sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch mà phải do Nhà nước quy định và phải coi đó là thủ tục bắt buộc để chống tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế…
Ở góc nhìn khác, Phó Trưởng phòng Dân sự - Kinh tế (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, cần nghiên cứu để xây dựng các quy định về đăng ký chuyển quyền nhằm phát huy tối đa giá trị của tài sản, tạo thêm một kênh huy động nguồn vốn cho các chủ thể tham gia quan hệ dân sự.
Ngoài ra, theo ông Mạnh, việc đăng ký quyền hưởng dụng cũng không nên phân tán ở các cơ quan khác nhau mà nên tập trung ở một cơ quan. “Trong điều kiện hiện nay, có thể tăng cường chức năng, nhiệm vụ cho Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp để thực hiện việc này” - ông Nguyễn Văn Mạnh đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.