Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lộ trình phù hợp

Linh Chi| 08/11/2017 07:11

(HNM) - Theo cách tính lương hưu tại Khoản 2, Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ ngày 1-1-2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu sẽ hưởng lương hưu thấp hơn so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017.

Để bảo đảm quyền lợi của lao động nữ, cần khắc phục những bất cập trong cách tính lương hưu mới. Ảnh: Nhật Nam



Lương đã thấp sẽ càng thấp

Từ ngày 1-1-2018, người lao động muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thêm 5 năm nữa. Theo đó, lao động nữ phải đủ 30 năm, lao động nam là 35 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45%. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%/năm (trước đây là 3%). Đóng đủ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

Theo BHXH Việt Nam, năm 2018 có khoảng 50 nghìn lao động nữ nghỉ hưu, trong đó hơn 21 nghìn người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm sẽ có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 từ 4% đến 10%.

Quy định mới làm nhiều nữ lao động lo lắng, thay đổi dự định. Chị Nguyễn Thị Liên, công nhân một doanh nghiệp may ở Gia Lâm cho biết, từng làm việc qua 2-3 công ty, đến nay chị mới đóng BHXH được 10 năm. Với đặc thù của ngành may, rất ít lao động nữ làm việc được đến ngoài 50 tuổi vì không chịu được áp lực công việc, bệnh nghề nghiệp. Trước đây, chị dự tính làm thêm vài năm nữa rồi xin ra ngoài làm việc khác nhẹ nhàng hơn, cố gắng duy trì đóng BHXH tự nguyện đủ 25 năm để được hưởng lương hưu. Nhưng theo quy định mới, chị sẽ phải đóng BHXH 20 năm nữa, đến 58 tuổi mới được hưởng lương hưu 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Vì vậy, chị Liên quyết định, khi không đủ sức khỏe làm ở công ty nữa sẽ làm đơn xin hưởng chế độ BHXH một lần.

Theo Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng, hiện nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài thường chỉ đóng BHXH ở mức thấp nhất cho người lao động, tương đương với mức lương tối thiểu vùng 1 là 3,75 triệu đồng (với lao động chưa qua đào tạo) và 4,0125 triệu đồng (với lao động đã qua đào tạo). Khi người lao động nghỉ hưu, nếu tính như cách cũ, tiền lương hưu chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống đã rất chật vật. Quy định mới kéo dài thời gian đóng BHXH càng khiến lao động nữ thêm thiệt thòi, nhất là khi các công ty tìm nhiều cách để sa thải lao động nữ sau tuổi 35, nhiều doanh nghiệp chây ì không đóng BHXH của người lao động. Quy định mới này sẽ khiến nhiều lao động nữ lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Không để lao động nữ thiệt thòi

Trước những vướng mắc đang đặt ra, ngày 2-11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã trình Chính phủ các phương án để xử lý vấn đề này; trong đó có phương án tạm thời chưa thực hiện Khoản 2, Điều 56, Luật BHXH năm 2014 và kéo dài tới năm 2022 mới thực hiện. Phương án sửa đổi, bổ sung sẽ bảo đảm nguyên tắc không để lao động nữ thiệt thòi, thực hiện có lộ trình, có đóng - có hưởng và tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định, phát triển bền vững. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, cơ quan này cũng ủng hộ kéo dài thêm thời gian tính lương hưu theo công thức cũ để lao động nữ đỡ bị thiệt thòi.

Ngày 3-11, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường ký Văn bản số 1769/TLĐ kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ, áp dụng theo Luật BHXH năm 2014. Dựa trên ý kiến của đoàn viên và người lao động, Tổng Liên đoàn đề nghị tạm dừng thực hiện Khoản 2, Điều 56 và Khoản 2, Điều 74 Luật BHXH năm 2014. Cụ thể hơn, Phó Trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Đỗ Hồng Vân cho rằng, tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động nữ đã được kéo dài.

Mới đây, ngày 6-11, trả lời báo chí về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ từ ngày 1-1-2018, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, cơ quan này đề xuất phương án áp dụng lộ trình điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ trong 5 năm. Cụ thể, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải có 27 năm đóng BHXH, năm 2020 là 28 năm đóng BHXH; năm 2021 là 29 năm đóng BHXH; từ năm 2022 trở đi là 30 năm đóng BHXH. BHXH Việt Nam cho rằng, phương án này tương đồng với lộ trình thay đổi cách tính lương hưu như đối với lao động nam; nghĩa là đến năm 2022, để đạt được tỷ lệ hưởng 75% thì lao động nam và nữ đều phải có số năm đóng BHXH tăng thêm 5 năm so với quy định hiện hành. Để đưa ra được quyết định dừng hay thực hiện theo lộ trình Khoản 2, Điều 56 Luật BHXH, thì theo quy trình, sau khi Chính phủ thống nhất phương án sẽ báo cáo Quốc hội và Quốc hội sẽ quyết định.

Để bảo đảm quyền lợi của lao động nữ, khắc phục những bất cập trong cách tính lương hưu mới, cần nghiên cứu, sửa đổi Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH năm 2014. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, giảm thiểu tình trạng nợ bảo hiểm của người lao động; tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHXH để hạn chế việc người lao động nghỉ việc làm thủ tục hưởng BHXH một lần nhằm bảo đảm an sinh xã hội...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần lộ trình phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.