(HNM) - Trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019, thông tin về chương trình hoạt động tại các điểm đến nổi bật, những tour, tuyến du lịch đặc sắc theo quan điểm của nhà tổ chức tại Hà Nội cũng như cả nước được giới truyền thông đưa khá thường xuyên.
Điểm nổi bật trong dòng thông tin liên quan tới thị trường du lịch dịp Tết Kỷ Hợi là các hoạt động của phía doanh nghiệp lữ hành, với hai mảng quan trọng là đưa khách ra nước ngoài và tới những điểm đến phù hợp với nhu cầu du Xuân ở trong nước. Thông tin từ phía cung cấp dịch vụ du lịch, không chỉ từ các điểm đến nổi tiếng mà còn từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực, giải trí, các ban tổ chức lễ hội đầu xuân... đã đưa ra được bức tranh cơ bản về du lịch trong dịp Tết 2019.
Tuy nhiên, cần phải nói rằng nội dung cũng như cách quảng bá, giới thiệu chương trình, dịch vụ du lịch trong dịp này không khác nhiều so với những kỳ nghỉ lễ khác trong năm. Chủ đề Tết Nguyên đán chưa được thể hiện rõ trong từng sản phẩm, chương trình tour dù nhà tổ chức bao giờ cũng gắn vào đó “đuôi” Tết Kỷ Hợi. Những nỗ lực đơn lẻ, thiếu tính kết nối dưới một sự chỉ đạo chung, của phía cung cấp dịch vụ đã dẫn đến hệ quả là không thể làm nổi bật chủ đề du lịch Tết một cách thực chất để thu hút du khách đến với Việt Nam nói chung, mỗi địa phương nói riêng.
Đó là điều đáng tiếc bởi từ lâu, Tết Nguyên đán ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác đã được coi là một loại tài nguyên du lịch mà từ đó, những du khách ưa khám phá có thể hiểu nhiều hơn về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, đặc biệt là những thú chơi, nét ẩm thực riêng có khi xuân về.
Thực tế chỉ ra rằng, việc có được nguồn tài nguyên du lịch dồi dào là điều may mắn, nhưng không phải tài nguyên nào cũng tự biến thành sản phẩm du lịch. Để Tết Nguyên đán ở Việt Nam có cơ hội trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc thì cần có sự đầu tư về kinh phí, chất xám, qua đó hình thành ý tưởng, triển khai thực hiện các phần việc cần thiết nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám phá phong tục, tập quán, văn hóa… được thể hiện trong dịp Tết cổ truyền.
Về điều này, trong thời gian qua, việc tổ chức các tour du lịch trong dịp Tết Nguyên đán chủ yếu dựa vào những gì sẵn có tại các địa phương, từ di tích, danh thắng đến các chương trình lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật do chính quyền tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Gần đây, tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và một số đơn vị khác đã cố gắng thiết kế chương trình trưng bày, triển lãm về các hoạt động đón xuân của người Việt xưa và nay, tổ chức trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, tái hiện không khí Tết xưa trong các gia đình Hà Nội… Những hoạt động đó đều gây ấn tượng tốt đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.
Tuy vậy, điểm hạn chế lớn nhất trong việc tổ chức các hoạt động này là thiếu tính kết nối để tạo nên một chương trình Tết Việt hoàn chỉnh, có thể gây tiếng vang, tạo sức hút khiến du khách phải quay lại hoặc chủ động tìm tới để tận hưởng.
Nhìn chung, chúng ta chưa có nhiều hoạt động được tổ chức riêng cho hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán. Muốn thay đổi, ngành Du lịch cần định hướng, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành, ban quản lý điểm đến du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ, chính quyền địa phương... Chỉ khi đó thì các đơn vị lữ hành mới có thể thoát cảnh “mượn Tết”, mới có cơ hội thiết lập những tour đích thực là khám phá Tết Nguyên đán ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.