Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần Kiệm nâng niu kỷ vật về Bác

Nguyễn Mai| 02/09/2017 07:55

(HNM) - Con đường lát đá ong nhuốm màu thời gian dẫn chúng tôi lên đỉnh ngọn đồi - nơi có Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xóm Lài Cài (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất). Một không gian xưa cũ hiện ra từ cổng, khoảng sân đất rộng và ngôi nhà mái lá đơn sơ...

.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Cần Kiệm (Thạch Thất).



19 ngày đón Bác

Chị Nguyễn Thị Lũy là hậu duệ đời thứ 4 của cụ Nguyễn Đình Khuê - chủ nhân ngôi nhà nơi Bác Hồ về sống và làm việc khi xưa (nay là Nhà lưu niệm Bác Hồ) cho biết, theo ông bà chị kể lại, vào đầu năm 1947, trên đường lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo cách mạng, Bác Hồ và một số đồng chí cán bộ trung ương đã về ở và làm việc tại đây. Nơi Bác ở là căn nhà được làm bằng tường đất, mái lợp lá cọ. Lúc Bác tới, ngôi nhà đang làm dở, nền đất chưa được đập kỹ và không có đồ dùng gì đặc biệt. Xóm Lài Cài nằm trên một quả đồi, đường vào nơi Bác ở nhỏ như bờ ruộng, bảo đảm an toàn trước sự theo dõi gắt gao của địch…

Tại đây, Bác cùng các đồng chí cán bộ trung ương đã có 19 ngày ở và làm việc (từ ngày 13-1 đến 2-2-1947, tức 22 tháng Chạp năm Bính Tuất đến 12 tháng Giêng năm Đinh Hợi). Trong thời gian này, Bác viết nhiều bản thảo, tài liệu để chỉ đạo cuộc kháng chiến như: “Phép dùng binh của ông Tôn Tử”; “Chiến thuật du kích”; bốn chữ Hán: “Cung chúc Tân Xuân” Bác viết tặng cụ chủ nhà nhân Tết Nguyên đán Đinh Hợi; Thư Bác gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam về việc chuẩn bị họp Hội đồng Chính phủ… Ban ngày, Bác làm vườn, ban đêm Bác ngồi viết bài nên gia đình cụ Khuê và người dân nơi đây không hề biết đó là Bác Hồ. Dù địa điểm thay đổi nhưng thói quen làm việc đúng giờ của Bác vẫn không hề thay đổi. Ở đâu Bác cũng kê bàn làm việc sát giường vừa dùng làm ghế ngồi vừa để nghỉ ngơi. Khi Bác ở Cần Kiệm là vào dịp Tết Đinh Hợi, nhưng bữa ăn của Bác vẫn chỉ có cơm độn sắn là chủ yếu. Tối 30 Tết, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ ở Quốc Oai và chúc mừng năm mới các thành viên trong Chính phủ. Sau đó Bác rời Quốc Oai đến chùa Trầm (Chương Mỹ) để chúc Tết đồng bào cả nước qua Đài Tiếng nói Việt Nam...

Lưu giữ những kỷ vật về Bác, năm 1974, Đảng bộ và nhân dân xã Cần Kiệm đã phục chế lại ngôi nhà cũ của cụ Khuê làm Nhà lưu niệm. Đến năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận Nhà lưu niệm Bác Hồ là di tích lịch sử cách mạng. Ngôi nhà luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương gìn giữ, tôn tạo đến ngày nay.

Tiếp lửa truyền thống

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm trở thành địa chỉ tham quan, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là nơi người dân tri ân, tưởng nhớ về Người. Trong Nhà lưu niệm, gian giữa trang trọng nhất là nơi đặt ban thờ có tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương… Các gian còn lại được dùng để trưng bày các tài liệu, kỷ vật gắn với thời gian Bác ở lại đây. “Hiện nay, thầy và trò trường trung học cơ sở Cần Kiệm vẫn duy trì sinh hoạt ngoại khóa đều đặn, hằng tháng đều đến Nhà lưu niệm Bác Hồ tìm hiểu truyền thống, làm vệ sinh, chăm sóc hoa cây cảnh trong khuôn viên khu lưu niệm” - anh Kiều Quốc Chinh, cán bộ văn hóa xã Cần Kiệm cho biết.

Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, do đặc thù của công tác bảo tồn giữ nguyên nếp nhà mái lá nên sau mỗi trận mưa, gió lớn thường bị tốc mái, xô lệch, mưa dột… nhân dân Cần Kiệm lại cùng nhau chỉnh sửa, tôn tạo, chăm sóc khuôn viên. Không chỉ thế, năm 2012, bốn hộ dân ở gần Nhà lưu niệm Bác Hồ đã hiến khoảng 100m2 đất để mở rộng khuôn viên khu di tích. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cần Kiệm Kiều Văn Lương cho biết: Huyện Thạch Thất đã quy hoạch tổng thể toàn bộ Nhà lưu niệm Bác Hồ với diện tích khoảng 3.000m2. Theo đó, dự kiến có 7 hộ dân đang sống sẽ di dời đến nơi ở mới. Hiện chủ trương này đã được các hộ đồng thuận. Vì vậy, trong tương lai gần, khi dự án hoàn thành, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Cần Kiệm sẽ rộng rãi, thoáng mát hơn để phục vụ nhân dân tới tham quan, tưởng niệm nơi Bác Hồ kính yêu đã có những ngày sống và làm việc tại đây.

Truyền thống cách mạng đã tiếp lửa cho nhân dân trong xã triển khai và đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Năm 2015, xã Cần Kiệm đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đầu năm 2017, nhân dân các thôn của xã Cần Kiệm tiếp tục tham gia hiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, đất thổ cư để địa phương triển khai mở rộng giao thông nông thôn. Bí thư Chi bộ thôn Phú Đa 2, ông Tạ Văn Tâm cho biết: Trước đây, hệ thống giao thông của thôn được cứng hóa nhưng mặt đường nhỏ (từ 1,8 đến 2,3m) và đã xuống cấp. Đầu năm 2017, huyện Thạch Thất triển khai dự án hỗ trợ làm giao thông nông thôn trên cơ sở đường cũ với chủ trương: Nhân dân đồng thuận hiến đất, mở rộng đến đâu, huyện sẽ hỗ trợ đổ bê tông đến đó (nhưng không có kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng).

Nhân cơ hội này, người dân đã bàn nhau, thống nhất, hộ có đất mặt đường thì hiến đất, hộ không phải hiến đất thì góp tiền hỗ trợ các hộ hiến đất dựng lại công trình. "Đến nay, những con đường mới ở Cần Kiệm đã được triển khai, hoàn thiện, thông thoáng, khang trang, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương…" - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cần Kiệm Kiều Văn Lương cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Kiệm nâng niu kỷ vật về Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.