(HNM) - Việc tăng thẩm quyền xử phạt hành chính cho cấp cơ sở, nhất là các chức danh trực tiếp phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) giúp người bị xử phạt thi hành quyết định thuận lợi, bảo đảm sự kịp thời, hiệu quả xử lý vi phạm nhỏ.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Công San nhận định, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa nhập lậu vẫn bộc lộ nhiều sơ hở. Đây là một trong những hệ quả của sự bất cập về thẩm quyền xử lý. Ông San dẫn chứng: Trong một vụ việc kiểm tra xử lý đối với các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, lực lượng quản lý thị trường phát hiện đối tượng sử dụng hóa đơn lập khống, hóa đơn quay vòng để hợp thức hóa hàng hóa và lực lượng quản lý thị trường có thể tiến hành lập biên bản VPHC về hai hành vi nêu trên.
Tuy nhiên, do lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền về xử lý VPHC trong lĩnh vực hóa đơn nên theo Luật Xử lý VPHC thì vụ việc phải chuyển tới chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền nơi xảy ra vi phạm để ban hành quyết định xử phạt. Nhưng, nếu căn cứ Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì chủ tịch UBND các cấp không được quy định thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý hóa đơn. Điều đó khiến đối tượng vi phạm không sợ, không ngại vi phạm pháp luật. Quy định như vậy vô hình trung đã làm yếu đi chức năng quản lý cấp cơ sở.
Chưa hết, những bất cập về thẩm quyền còn thể hiện ngay chính trong Luật Xử lý VPHC. Thực tiễn áp dụng cho thấy, dù luật này quy định về việc người có thẩm quyền xử phạt có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt VPHC, song lại không có chế tài thể hiện cấp phó có thể thay cấp trưởng ra quyết định khám phương tiện hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Mặt khác, một hành vi vi phạm có khi do nhiều cơ quan cùng xử lý (tùy theo mức độ vi phạm) dẫn đến "loạn" xử phạt. Sự chồng chéo trong phối hợp giữa các lực lượng chồng chéo với nhau là chuyện thường xảy ra. Chính sự chồng chéo này đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý, gây khó khăn cho công tác chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
Không chỉ trong lĩnh vực buôn lậu và gian lận thương mại, thực tiễn việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa cũng có nhiều kẽ hở, chưa phát huy hiệu quả răn đe, giáo dục. Cho đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Hà Nội chưa có kho chứa tang vật quy mô đủ lớn để phục vụ công tác thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Cảnh sát giao thông đường thủy cũng gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng biểu mẫu xử phạt VPHC do hình thức biểu mẫu dài, nhiều thông tin phải viết lại tới 3 lần nên việc lập biên bản, ra quyết định mất nhiều thời gian.
Trên lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC của trưởng công an cấp huyện, cấp tỉnh hiện đã giới hạn hơn so với trước đây nên nhiều trường hợp việc xử phạt, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm vượt thẩm quyền của công an và phải chuyển đến chủ tịch UBND thành phố để ra quyết định xử phạt. Điều này làm cho thời gian xử phạt kéo dài, lãng phí công sức của cơ quan có thẩm quyền xử lý. Quy định thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC 7 ngày kể từ ngày lập biên bản VPHC là chưa hợp lý đối với các trường hợp cần phải tiến hành các thủ tục xác minh, giám định nguồn gốc, chất lượng hàng hóa... mới xác định được mức độ vi phạm và trình cấp có thẩm quyền xử lý. Nhiều vụ việc vì thế mà chưa bảo đảm thời gian để các đơn vị chức năng của Công an thành phố giải quyết theo quy định.
Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC cũng không hề đơn giản. Mặc dù cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp khấu trừ thu nhập, tiền lương, tài khoản ngân hàng, thậm chí kê biên tài sản nếu cố tình không chấp hành hình phạt, nhưng quá trình áp dụng trong thực tế rất phức tạp, không hiệu quả.
Theo các cơ quan chức năng, vẫn chưa ghi nhận trường hợp cán bộ, công chức VPHC bị khấu trừ lương và thu nhập ở cơ quan. Với người sử dụng, tàng trữ trái phép ma túy lại rất khó thực hiện vì đối tượng nghiện thường không có việc làm, tiền, tài sản. Hoặc trường hợp ra quyết định xử phạt VPHC một tổ chức nhưng tổ chức đó không chấp hành quyết định thì cơ quan ra quyết định xử phạt cũng rất khó khăn để ra quyết định cưỡng chế, bởi lẽ việc xác định tài khoản ngân hàng của đối tượng để khấu trừ rất khó khăn. Rất ít tổ chức tín dụng tự nguyện cung cấp thông tin về tài khoản của đối tượng bị xử phạt, thậm chí không phong tỏa tài khoản kịp thời trong những trường hợp cần thiết. Và khi các quy định pháp luật thiếu khả thi, không đi vào đời sống thì hiện tượng nhờn luật càng phổ biến. Đây là vấn đề cần nghiên cứu để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.