(HNMO) - Ngày 1-6, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, theo đề xuất tại Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy thời kỳ 2021-2030 đang được lấy ý kiến, tổng nhu cầu vốn để phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy trong giai đoạn này vào khoảng 157.533 tỷ đồng.
Như vậy, tính trung bình mỗi năm cần đến hơn 15.700 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, cải tạo hệ thống luồng tuyến đường thủy từ vốn ngân sách khoảng 28.919 tỷ đồng; đầu tư phát triển hệ thống cảng thủy nội địa (vốn doanh nghiệp) khoảng 128.614 tỷ đồng.
Quy hoạch cũng đề xuất 19 dự án cần ưu tiên tập trung trong 10 năm tới, với 18 dự án dùng vốn ngân sách, vốn ODA để nâng cấp tĩnh không cầu, luồng tuyến; 1 dự án đầu tư tổng thể các cảng thủy theo quy hoạch dùng vốn doanh nghiệp.
Trong số đó, các dự án cải tạo cầu, nâng cấp luồng tuyến được ưu tiên đầu tư gồm: Nâng cấp cầu Đuống, kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ, kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, nâng cấp tĩnh không các cầu đường bộ qua đường thủy khu vực phía Nam, nâng cấp tuyến hành lang Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc (hành lang số 2)…
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nguồn vốn ngân sách (gồm cả vốn ODA) sẽ được ưu tiên dùng cho các dự án tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trên hành lang, luồng tuyến, nhằm tăng hiệu quả vận tải và kết nối vận tải thủy với các phương thức vận tải khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.