Tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế trên sông Sài Gòn, con sông biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, với không chỉ các nhánh kết nối nội đô và ngoại thành mà còn tỏa đi các tỉnh lân cận, hướng ra biển.
Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh tại tọa đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn”, sáng 12-12.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, lợi thế lớn là vậy nhưng việc khai thác tiềm năng du lịch dọc sông Sài Gòn hiện nay rất hạn chế, đặc biệt là phát triển du lịch, kinh tế ven sông, du thuyền...
Chủ tịch Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức Phạm Văn Việt đánh giá, sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm, điều này có thể tác động tiêu cực đến du lịch. Đồng thời, việc chưa có quy hoạch đô thị toàn diện và hiệu quả cũng tạo ra những khó khăn khi phát triển hạ tầng, giao thông và các dự án quan trọng khác liên quan đến dòng sông.
Một hạn chế nữa, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, là tour tuyến cho các sản phẩm du lịch đã có nhưng du khách tiếp cận với các sản phẩm này, bao gồm mua vé, còn nhiều bất tiện. Đơn cử, hành khách muốn mua được sản phẩm du lịch đường thủy phải đến bến tàu, nhưng đến rồi cũng chưa chắc mua được tour.
Về hạ tầng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hòa An nêu, hiện quỹ đất và hành lang ven và trên kênh rạch phục vụ khai thác du lịch còn hạn chế, trong khi, hạ tầng như bến đón trả khách, các bến neo đậu tàu thuyền… thiếu và chưa đồng bộ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng các điểm đến, các tour du lịch di sản gắn liền với dòng sông vô giá này. Mặt khác, trong quá trình phát triển, ngoài việc phục vụ du khách, cần xây dựng các điểm mang tính đặc sản hai bên dòng sông để phát huy vai trò của mỗi người dân sinh sống dọc hai bên sông, từ đó mỗi người dân sẽ là một “sứ giả” làm du lịch.
Về hạ tầng, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng hải Thủ Đức Nguyễn Trần Hữu Thắng cho rằng, để tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế ven sông cũng như ngành du thuyền, cần xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nối liền với các tỉnh lân cận. Đồng thời, phát triển bến du thuyền và các trung tâm dịch vụ ven sông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du thuyền.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thị Ngọc Hiếu kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu, xây dựng các khu vực nhà chờ, nhà vệ sinh… phục vụ khách. Ngành Du lịch cũng sẽ xây dựng đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch như tầm ngắn, tầm trung, tầm xa qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trên phương tiện thủy như hoạt động chèo Sup, thưởng thức các hoạt động nghệ thuật, nhạc nước và kết hợp nhiều phương tiện, du thuyền…
Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn; liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô, với ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.