(HNMO) - Sáng 14-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 2-2022 của Quốc hội.
Đánh giá cao công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao hành động tích cực, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Qua đó đã hỗ trợ đồng bào người Việt di chuyển an toàn ra khỏi vùng chiến sự và tổ chức đưa về nước những người có nhu cầu. Cùng với đó là sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội trước tình hình xăng, dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.
Cử tri và nhân dân kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn; tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo; về tình trạng “loạn giá” kit xét nghiệm nhanh Covid-19; việc rao bán các mặt hàng thuốc điều trị vi rút “xách tay” từ nước ngoài… trên các trang mạng xã hội; về việc mua thuốc điều trị Covid-19 cho người điều trị tại nhà còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải mua thuốc ngoài “chợ đen” với giá cao hơn nhiều lần giá quy định; việc khai báo, cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh gặp nhiều khó khăn do trạm y tế cơ sở quá tải...
Trưởng ban Dân nguyện cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng, dầu hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng, dầu như hiện nay để trục lợi; quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông và các bộ, ngành hữu quan có biện pháp quản lý, triệt phá, xử lý nghiêm loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông lợi dụng sự hoang mang, thiếu hiểu biết của người dân trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19 và tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để phạm tội.
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp quyết liệt, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, nâng giá kit xét nghiệm nhanh, nhập lậu thuốc điều trị Covid-19, tăng cường kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá bán bất hợp lý; chỉ đạo Bộ Y tế sớm có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để mua thuốc điều trị cho F0 điều trị tại nhà; xác nhận nhiễm và cấp giấy chứng nhận đã khỏi bệnh cho người dân.
Sớm ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19
Thông tin thêm về một số nội dung, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các hoạt động điều tra, xác minh các vụ án, sớm kết luận điều tra, truy tố các hành vi vi phạm liên quan đến vụ việc tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); nắm tình hình, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm sử dụng mạng xã hội để rao bán bằng giả, giấy tờ giả…
Đối với công tác điều trị Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định, số lượng F0 hiện tại là rất lớn nhưng các địa phương kịp thời thích nghi, hướng dẫn điều chỉnh linh hoạt với tình hình dịch.
Theo dõi trên địa bàn cư trú, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao thành phố Hà Nội tổ chức triển khai công tác theo dõi, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà rất tốt; trong đó, ngoài hoạt động của trạm y tế lưu động còn có bác sĩ chuyên trách theo dõi địa bàn về các biện pháp điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã ban hành hướng dẫn thủ tục hành chính quản lý người mắc Covid-19 tại nhà đã quy định chặt chẽ nhưng cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
“Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng phải phản ánh, ghi nhận được những mặt tích cực, sự nỗ lực cố gắng của lực lượng y tế cơ sở”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với F0 điều trị tại nhà; xem xét, điều chỉnh quy định “5K” và cách ly F1 trong điều kiện mới, nhất là lúc mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế; xử lý tình trạng dự án “ma” nhằm phân lô, bán nền đất trái pháp luật...
Cho ý kiến vào báo cáo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các cơ quan hữu quan cần tập trung xử lý kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp của Quốc hội bởi tỷ lệ giải quyết kiến nghị còn thấp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu các kiến nghị để sớm ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 song song với thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo; Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, kịp thời đề nghị các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị được nêu, tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả tại phiên họp tháng 4-2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.