(HNMO) - Việc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản vừa qua, được Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa XII đánh giá là hậu quả của quá trình Tập đoàn đã đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, chưa thực sự tuân theo quy luật thị trường.
Bên cạnh đó còn do công tác kiểm tra, kiểm soát nhiều hạn chế, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn của lãnh đạo Tập đoàn.
Nhìn chung việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng bộc lộ rõ sự bất cập, chưa thay đổi kịp với chuyển biến của nền kinh tế thị trường; cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán và quản lý tài chính nội bộ doanh nghiệp còn kém hiệu quả.
Mặt khác, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiến hành chậm, đặc biệt phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn phân tán, cắt khúc dẫn đến tình trạng không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính về quản lý vốn, tài sản tại các doanh nghiệp này. Mô hình và phương thức quản trị, quản lý nội bộ trong tập đoàn, tổng công ty vẫn còn bất cập, làm hạn chế chất lượng quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động bởi một số chính sách. Đó là trong những tháng đầu năm 2010, do thắt chặt tiền tệ, dư nợ tín dụng, đặc biệt tín dụng bằng VND tăng thấp, lãi suất tăng cao, phần lớn các doanh nghiệp rất khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh. Điện thiếu nghiêm trọng, kéo dài, làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhưng điều hành lĩnh vực này chưa tốt và chưa có biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Hầu hết các dự án nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2010-2011 bị chậm. Việc triển khai các dự án trong tổng sơ đồ điện VI nhìn chung chậm so với tiến độ là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu điện trong năm 2010 và có nguy cơ tiếp tục thiếu điện cho những năm tiếp theo.
Thực hiện kế hoạch năm 2011, năm khởi đầu của kế hoạch 2011 – 2015, Ủy ban kinh tế Quốc hội đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Cương quyết thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đang quản lý theo thị trường như điện, than, dịch vụ y tế, giáo dục,... Tăng cường kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ và đặc biệt là đề cao chế độ trách nhiệm cá nhân. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng; tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đổi mới mạnh mẽ quản trị doanh nghiệp tại doanh nghiệp nhà nước phù hợp với nguyên tắc vận hành trong nền kinh tế thị trường; đổi mới các quy định về quản lý tài chính và chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thực hiện một cách kiên quyết việc tách biệt chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, đồng thời kiểm soát chặt chẽ những thủ tục mới phát sinh.
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển mạnh các loại hình kinh tế ngoài nhà nước, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa thành phần kinh tế này trở thành động lực phát triển quan trọng của đất nước trong những năm tới đây...
Các vấn đề trên đã được ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội trình bày trong Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011, tại phiên khai mạc QH sáng nay (20-10).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.