Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp đồng bộ, cụ thể

Đặng Loan| 26/07/2012 06:34

(HNM) - Ngày 25-7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến cho đề án "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN". Đề án là một trong những động thái quyết liệt của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Đề án có mục tiêu ngắn hạn là giúp DN giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Về mục tiêu dài hạn, sẽ điều chỉnh các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững trong các năm tiếp theo.

Việc các doanh nghiệp được thế chấp hàng tồn kho để vay vốn, được giảm lãi suất cho vay... là những giải pháp mang lại hy vọng cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Trọng Hải

Có 9 khó khăn lớn được Bộ Công thương đưa vào đề án để tìm giải pháp tháo gỡ như chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh cao và bất ổn, ảnh hưởng đến giá đầu ra của sản phẩm; chỉ số tồn kho tăng cao; giá xuất khẩu nông sản giảm gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của nông dân; lãi suất cho vay cao, tiếp cận vốn khó khăn…

Góp ý kiến, đa số các DN tập trung vào vấn đề lãi suất vay cao, khả năng tiếp cận vốn khó khăn. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho rằng, dù lãi suất ngân hàng (NH) đã được chỉ đạo giảm, nhưng ở TP Cần Thơ, số lượng DN được giảm lãi vay chỉ có khoảng 2-5%. Khó khăn khiến đến 1/3 số DN ở đây phá sản, 1/3 đang giảm công suất và trên bờ vực phá sản, chỉ còn khoảng 1/3 hoạt động. Ông Toại đề nghị Bộ Công thương, NHNN cùng kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo về giảm lãi suất cho DN.

Nhiều kiến nghị khác cũng "xoáy" vào việc cần xem xét giảm thêm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, môi trường… Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, kiến nghị Bộ Tài chính giữ nguyên chính sách ân hạn thuế 275 ngày cho các lô hàng tạm nhập tái xuất. Thủ tục hành chính rườm rà trong hoàn thuế cũng khiến DN phiền não: "Một bộ hồ sơ 10.000 USD muốn hoàn thuế phải mất 8 ngày làm giấy tờ!", ông Thuấn than!

"Hiến kế" đóng góp đề án, bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op đề nghị Nhà nước cần quan tâm đầu tư từ chính sách và ngân sách để phát triển kênh phân phối hàng Việt đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều tỉnh đã muốn Saigon Co.op mở kênh phân phối, tuy nhiên, khi đưa vào bài toán kinh doanh nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì không thể triển khai.

Các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của các cấp ngành chức năng để vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Huy Hùng

Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, nhiều DN kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện ban đầu để DN yên tâm đầu tư ở thị trường rủi ro. Đơn cử thị trường Campuchia, theo bà Hạnh, đây là thị trường tốt nhưng cũng nhiều rủi ro. Hiện đã có chính sách ưu đãi 50% lãi vay, nhưng Nhà nước có thể hỗ trợ thêm bằng cách bỏ ngân sách xây trung tâm thương mại rồi cho DN thuê kinh doanh…

Về xuất khẩu, ông Nguyễn Minh Toại phân tích bằng việc gạo Việt Nam xuất khẩu nhất nhì thế giới, cá tra là độc quyền bị làm giá. "Tôi chưa thấy trên đời cái gì độc quyền mà bị làm giá cả!". Ông Toại nói và cho rằng cách quản lý khập khiễng khiến xuất khẩu của các DN luôn bấp bênh. Cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược xuất khẩu cho từng ngành với hành lang pháp lý rõ ràng: Ai được xuất, chất lượng hàng hóa, giá cả…

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, những ý kiến về vướng mắc của DN sẽ được tiếp tục tập hợp báo cáo Chính phủ rồi gửi bộ, ngành liên quan xem xét. Bộ trưởng cũng cho rằng phải mất rất nhiều thời gian để DN qua khỏi khó khăn, nhưng lại không còn nhiều thời gian nên cần phải thực hiện thật quyết liệt và đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành. Bên cạnh đó, bản thân các DN phải tự nỗ lực hơn, chủ động hơn chứ không thể trông hết vào Chính phủ và bộ, ngành.

Trả lời câu hỏi của báo chí về mục đích của đề án là tháo gỡ khó khăn cho DN vừa và nhỏ, nhưng trong đề án chỉ thấy giải pháp tập trung nhiều cho ngành điện, ngành than, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng nhóm giải pháp tập trung cho tất cả DN, không phân biệt. Riêng ngành điện và than là ngành tạo điều kiện cho DN khác, như cung cấp điện, cung cấp than cho sản xuất nên các giải pháp được xây dựng cụ thể hơn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp đồng bộ, cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.