Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp đồng bộ

Khánh Vũ| 16/07/2012 07:18

(HNM) - Sự gia tăng bất thường về tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) ở Việt Nam trong những năm gần đây đã vượt qua mức báo động. Năm 2011, tỷ số GTKS là 111,9 bé trai/100 bé gái. Cần làm gì để thay đổi tình thế?


Thành thị: Lựa chọn giới tính ngay từ lần sinh đầu

Trong 5 tháng đầu năm 2012, cả nước có 274.171 bé trai được sinh ra, số bé gái được sinh trong cùng khoảng thời gian đó là 241.998, tỷ số GTKS là 113 bé trai/100 bé gái. Ngay ở lần sinh thứ nhất, mất cân bằng GTKS đã xảy ra, tỷ số này là 109,7 bé trai/100 bé gái (thành thị là 115,6/100 và nông thôn là 107,4/100), trong khi đó tỷ số này là khoảng 112 bé trai/100 bé gái ở lần sinh thứ 2 (thành thị là 110,2/100 và nông thôn là 112,6/100).


Nhân viên y tế tuyên truyền, tư vấn về DSKHHGĐ, SKSS cho phụ nữ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Huyền Linh

Số liệu thống kê cho thấy khu vực thành thị có sự lựa chọn GTKS ngay ở lần sinh đầu, còn khu vực nông thôn thường xuất hiện ở lần sinh thứ hai trở đi. Tỷ số GTKS ở lần sinh thứ 3 trở lên khá cao với cả 2 khu vực, khoảng 120 bé trai/100 bé gái. Theo bà Đặng Thị Bích Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục DS KHHGĐ, điều này cho thấy để giảm sự mất cân bằng GTKS thì cần phải có cách thức tuyên truyền phù hợp đối với các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con thứ 3 trở lên.

Từ năm 2006 đến 2011, ngày càng có nhiều bà mẹ biết giới tính thai nhi trước khi sinh, sau 5 năm tỷ lệ này đã tăng mạnh (năm 2006 là 63,8%, năm 2011 là 76,9%), tỷ lệ phụ nữ thành thị biết giới tính con trước sinh cao hơn (82,5% so với 74,8%). Trình độ học vấn của phụ nữ càng cao thì khả năng biết giới tính thai nhi trước khi sinh càng lớn: có 32,4% số phụ nữ chưa đi học và 83,5% phụ nữ tốt nghiệp THPT trở lên biết về thông tin này. Có tới 77,7% số bà mẹ biết giới tính con khi thai được từ 12 đến 22 tuần, trường hợp thai trên 22 tuần chỉ chiếm hơn 21,1%. Điều này chứng tỏ hầu hết phụ nữ có tâm lý muốn biết sớm giới tính thai nhi, nhất là trong thời kỳ đầu mang thai. Vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ phụ nữ biết giới tính thai nhi từ 12 đến 16 tuần tuổi cao nhất cả nước - 52%. Hầu hết các bà mẹ biết trước GTKS bằng các phương pháp siêu âm.

Chỉ cho phép "phá thai có điều kiện"

Thực trạng nói trên đã được Tổng cục DS KHHGĐ cảnh báo rộng rãi thông qua việc tổ chức các chiến dịch truyền thông về vấn đề kiểm soát sự mất cân bằng GTKS. Mô hình can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS đã được mở rộng và triển khai ở 43 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS cao, tập trung vào 10 tỉnh trọng điểm là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật về kiểm soát mất cân bằng GTKS, ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS KHHGĐ cho biết: Trước hết, cần tăng cường, nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục và vận động nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi. Tổng cục đã phối hợp với các cơ quan quản lý để chấn chỉnh, khuyến cáo các phương tiện thông tin đại chúng không tuyên truyền, phổ biến phương pháp và kỹ thuật lựa chọn giới tính, tổ chức kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan, các nhà xuất bản, trang web tuyên truyền về lựa chọn giới tính thai nhi. Các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai cũng được các địa phương thanh - kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất trong việc thực hiện quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi...

Trên thực tế, Bộ Y tế đã thành lập 3 tổ công tác làm việc với Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND 10 tỉnh, thành phố nói trên. Để ứng phó với tình trạng mất cân bằng GTKS ngày một lan rộng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng đề án "Kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2012-2020" với mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của sự mất cân bằng GTKS; từng bước thay đổi các hành vi dẫn đến hiện tượng này; giảm tốc độ gia tăng tỷ số GTKS, tạo cơ sở thuận lợi để chậm nhất là vào năm 2025 đưa tỷ số này trở lại mức 105-106/100. Đề án đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đề trình Chính phủ kiến nghị với Quốc hội thay đổi ngay những quy định pháp luật theo hướng "chỉ cho phép phá thai có điều kiện" (vì lý do bệnh tật của người mẹ hoặc thai nhi) nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng việc phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.