(HNM) - Cuộc vận động
Từ đầu năm đến nay, qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức thực hiện CVĐ đã từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người dân. Hàng Việt đã có vị trí nhất định với người tiêu dùng (NTD), nhất là ở thị trường nông thôn. Các đơn vị thành viên chủ động triển khai thực hiện chương trình "Hành động vì quyền lợi NTD năm 2013"; xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình "Tháng khuyến mãi Hà Nội năm 2013", "Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội năm 2013". CVĐ không chỉ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các DN đối với NTD, mà còn tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các DN nhìn chung đã ý thức được ý nghĩa của CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", là cơ hội vàng để nâng cao uy tín thương hiệu đối với NTD, mang lại cơ hội sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại thị trường nội địa. Nhiều DN đã tận dụng cơ hội đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm đến tận tay NTD... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều DN chưa chú trọng công tác tuyên truyền, sản xuất được nhiều sản phẩm thực sự có chất lượng nhưng không có phương thức hiệu quả để đưa sản phẩm đến với NTD; nhiều DN chưa ý thức tham gia thực hiện CVĐ. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường dù đã rất nỗ lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhưng các vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Hàng Việt về nông thôn tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Ảnh: Thế Đông |
Nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội đề nghị các sở, ngành chức năng cùng Ban Chỉ đạo các cấp cần tăng cường tuyên truyền sâu hơn về CVĐ, quảng bá chất lượng hàng Việt Nam, khả năng SXKD của DN "nội". Công bố thường xuyên, kịp thời tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành sản phẩm hàng hóa trong nước và hàng hóa ngoại nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng để NTD lựa chọn. Công tác này phải được đổi mới cả về nội dung và hình thức, hướng đến NTD nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… bằng nhiều cách như khai thác tốt hệ thống đài truyền thanh của các phường, xã; triển khai phương thức trực quan trên các tuyến xe buýt của thành phố.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với các DN, xây dựng kế hoạch đầy đủ, chi tiết, hình thành chiến lược tạo nguồn hàng. Tổ chức triển khai, hỗ trợ DN thực hiện, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất theo chiều sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất, cung ứng cho thị trường ngày càng nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng cao, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại theo hướng văn minh hiện đại và phát triển thị trường nông thôn. Đồng thời, làm cầu nối giữa DN với địa phương trong việc tổ chức các hội chợ hàng Việt; hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức hội chợ; tăng cường ngăn chặn, xử lý việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng…
Các DN cũng cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong SXKD, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ; cam kết bảo vệ quyền lợi NTD. Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về vùng xa trung tâm, các khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ NTD thu nhập thấp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.