(HNM) - Việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng và tổ chức tín dụng gặp không ít khó khăn do cơ chế, chính sách ưu đãi chưa phù hợp...
Tuy nhiên ở một số địa phương, việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng và tổ chức tín dụng gặp không ít khó khăn do cơ chế, chính sách ưu đãi chưa phù hợp... Đây là vấn đề đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội cùng nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung tháo gỡ...
Làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
Đi đôi với các chính sách hỗ trợ về cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã tập trung chỉ đạo và giám sát các TCTD trong việc thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất. Trong 5 năm (2009-2014) với 4 lần giảm lãi suất cho vay, lãi suất từ 17 đến 18%/năm (năm 2009) đã hạ xuống phổ biến từ 7 đến 10%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 10,5 - 12% đối với cho vay trung, dài hạn, trong đó ưu tiên cho vay đối với một số lĩnh vực dưới 8%/năm nhằm thúc đẩy chương trình xây dựng NTM. Nhiều hộ dân đã được tạo điều kiện vay vốn để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
|
Các TCTD đã thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ đối với trường hợp khách hàng gặp khó khăn về nguồn trả nợ; đồng thời đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp như: Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đang thực hiện cho vay 2 vụ liên tiếp trong năm, song khách hàng chỉ phải trả lãi khi thu hoạch vụ thứ nhất. Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cho vay 11 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách… Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp như hiện nay, việc cân đối để bảo đảm nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là một sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các địa phương trong đó đi đầu là Hà Nội.
Mặc dù Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT đã quan tâm đầu tư hỗ trợ về vốn cho khu vực ngoại thành, song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Vốn cho các hộ dân vừa thoát nghèo, vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH còn thiếu, hiện mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Viết Liêm Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đô, huyện Ba Vì cho biết: Trên địa bàn xã vẫn còn hàng trăm hộ muốn tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm, trong đó có rất nhiều hộ vừa mới thoát nghèo được một vài năm trở lại đây. Nếu như nguồn vốn ưu đãi rộng rãi hơn, nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng kinh doanh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Lê Kim Phung cũng thừa nhận, đồng vốn giải quyết việc làm của đơn vị mặc dù đều tăng qua các năm, hiện đã đạt trên 1.000 tỷ đồng nhưng chia cho các quận, huyện trên địa bàn vẫn không thấm vào đâu, nhất là các xã làng nghề, xã chăn nuôi trọng điểm.
Còn đối với hệ thống Ngân hàng NN&PTNT điển hình như Agribank Hà Tây lại đang dư nguồn với gần 20.000 tỷ đồng nhưng dư nợ hiện nay mới đạt trên 12.000 tỷ đồng. Đơn vị đang đẩy mạnh cho vay tín chấp qua các hội đoàn thể tại các huyện ngoại thành nhưng các hộ khó khăn, làm ăn nhỏ lẻ vẫn không mặn mà vì đầu ra nông sản bấp bênh, rớt giá liên miên, việc cân đối giữa lãi suất và lợi nhuận vẫn là bài toán khó đối với phần đông nông dân. Còn với các hộ làm ăn lớn thì mức vay 50 triệu đồng/hộ là quá ít. Vì vậy đối tượng để "hấp thụ" dòng vốn ưu đãi này từ Ngân hàng NN&PTNT chưa tương xứng với nguồn lực vốn của đơn vị.
Nguồn vốn Ngân hàng CSXH TP Hà Nội đã thực hiện cho vay đạt 4.538 tỷ đồng, trong đó dư nợ cao nhất cho vay hộ nghèo là 1.036,5 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo: 854 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm: 1.049 tỷ đồng và dư nợ cho vay các dự án nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn: 699 tỷ đồng. Đến ngày 30-6-2014, dư nợ cho vay đối với nông nghiệp nông thôn của các TCTD trên địa bàn đạt 48.345 tỷ đồng, trong đó tại các địa phương xây dựng NTM đã có 43.155 khách hàng được vay vốn bao gồm 43.099 hộ dân và 56 doanh nghiệp, với tổng dư nợ đạt 1.219 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.