Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có cơ chế quản lý

Việt Nga| 20/07/2013 07:12

(HNM) - Có thể nói, dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí (gọi tắt là OTT) đến nay được đông đảo người dùng điện thoại smartphone trong nước sử dụng.



Hiện nay có 3 ứng dụng đang được dùng phổ biến là Viber, Zalo, Kakao Talk, bộ ba này cũng có tốc độ tăng trưởng chóng mặt tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, qua truyền thông, đại diện của Viber tại Việt Nam liên tiếp công bố số lượng thuê bao tăng trưởng nhanh qua từng tháng và dự kiến nhà cung cấp này sẽ có 10 triệu thuê bao vào cuối năm nay. Tương tự như vậy Kakao Talk đặt mục tiêu đến cuối năm có 7 triệu khách hàng; Zalo dự kiến đạt 5 triệu người sử dụng. Như vậy, có thể nói việc xuất hiện các tiến bộ về công nghệ như dịch vụ OTT kết hợp với sự bùng nổ của các dòng smartphone giá rẻ, cộng với chất lượng dịch vụ 3G ngày càng bảo đảm, dịch vụ wifi miễn phí có ở nhiều nơi đã, đang thực sự đem đến nhiều lợi ích cho khách hàng. Và ở một góc độ nào đó đây có thể coi là niềm vui cho người dân sống trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Song, đằng sau sự bùng phát của "cơn lốc" OTT này cũng đặt ra những vấn đề rất đáng suy ngẫm. Đó là việc đem lại lợi ích cho khách hàng cũng đồng nghĩa với việc các ứng dụng này "cướp" đi doanh thu cả nghìn tỷ đồng của nhà mạng. Đại diện các Tập đoàn VNPT và Viettel từng cho rằng cả thoại và tin nhắn miễn phí từ OTT đã làm họ mất hơn 1.000 tỷ đồng/năm, thậm chí nếu xu hướng người dùng đều sử dụng các phần mềm OTT này, khả năng nhà mạng sẽ thất thu tới 9-10% doanh thu/năm (tương đương trên dưới 10.000 tỷ đồng). Vậy khi nhà mạng bị thiệt hại sẽ thế nào? Sẽ có không ít ý kiến cho rằng DN thiệt nhưng người tiêu dùng được lợi thì cần phải ủng hộ và điều này là không sai. Nhưng về vấn đề này có thể thấy, các DN cung cấp dịch vụ di động đã phải đầu tư cho mạng lưới với số tiền hàng tỷ USD (chỉ riêng hạ tầng mạng cho 3G các DN đã đầu tư 1,3 tỷ USD) trong khi các dịch vụ OTT chỉ "ký sinh" trên hạ tầng mạng viễn thông (chẳng phải đầu tư cho mạng lưới), "chiếm" lượng băng thông lớn, lại đang khiến các nhà mạng chịu tổn thất về kinh tế. Việc nhà mạng chịu thiệt hại về doanh thu về lâu dài không phải là điều hay vì họ sẽ không có tiền tái đầu tư trở lại mạng lưới, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, cả VNPT và Viettel đều là những tập đoàn kinh tế có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước… Một vấn đề nữa không thể không nhắc tới đó là việc sử dụng các dịch vụ OTT cũng sẽ gây ra những lo ngại về độ bảo mật, vì các cuộc gọi, tin nhắn miễn phí này sẽ "nằm” trong máy chủ của nhà cung cấp OTT quản lý - mà không phải là các nhà mạng trong nước quản lý - nên từ đó rất có thể xuất hiện những lo ngại về an toàn thông tin cho khách hàng như nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân và rộng hơn nữa là liên quan đến sự không an toàn cho an ninh quốc gia (trừ Zalo do VNG phát triển, còn lại các phần mềm OTT đều của DN nước ngoài và đương nhiên họ đặt máy chủ tại nước ngoài, chẳng hạn Viber của Israel, Kakao Talk của Hàn Quốc).

Gần đây, các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin nhiều quốc gia trên thế giới đã có các biện pháp quản lý đối với dịch vụ OTT. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc, nước này cho phép nhà mạng có thể thu phụ phí khi khách hàng sử dụng hoặc có quyền chặn dịch vụ này. Cơ quan quản lý Trung Quốc cũng xem xét cân nhắc việc cho các nhà mạng thu phí với dịch vụ OTT. Ả Rập Saudi đã chính thức chặn dịch vụ Viber từ đầu tháng 6-2013. Tại một số quốc gia Châu Âu và Mỹ, các nhà mạng thực hiện chính sách thu phí dữ liệu cao và đó cũng là cách để hạn chế OTT.

Từ những phân tích như trên cho thấy, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải đưa ra các phương thức quản lý với dịch vụ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có cơ chế quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.