Xã hội

Cần có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài cho Thủ đô

Đình Hiệp 27/11/2023 - 12:09

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, sáng 27-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, vấn đề cần có cơ chế chính sách để tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17) được nhiều đại biểu quan tâm.

t-2(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, đây là một nội dung hết sức quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ.

“Chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời, cần làm rõ hơn khái niệm “nhân tài”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu thực tế các nước trong khu vực đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình cho thấy họ ít khi dựa vào tài nguyên mà chú trọng thu hút và phát triển nhân tài. Đại biểu dẫn số liệu trong giai đoạn 2013-2022, thành phố Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là các thủ khoa tốt nghiệp đại học, trong khi thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2018-2022 chỉ thu hút được 18 nhân tài.

nguyen-manh-hung-1.jpg
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) phát biểu.

Trên cơ sở phân tích đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Trong đó, cần có cơ chế, chính sách để chủ động tìm kiếm, phát hiện và sử dụng nhân tài ra sao. Cụ thể, chủ động tìm kiếm nhân tài từ rất sớm khi họ còn là sinh viên với việc trả học phí, các chính sách đãi ngộ sau khi tốt nghiệp để vào làm việc tại các cơ quan của Thủ đô…

Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Điều 17 của dự thảo Luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, đây là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.

duong-khac-mai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phát biểu.

Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, cần trao quyền cho HĐND thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Trong Điều 17 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Trong đó, việc thu hút, trọng dụng nhân tài được thực hiện như sau: Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc trong các lĩnh vực, ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và được hưởng các chế độ, chính sách do HĐND thành phố quy định.

Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc thành phố Hà Nội;

Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định.

dai-bieu-2.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô được thực hiện như sau: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; quy hoạch, xây dựng; văn hóa, nghệ thuật, thể thao; giáo dục đào tạo, dạy nghề; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính, ngân hàng; giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế…

Đồng thời, hỗ trợ từ ngân sách của thành phố Hà Nội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô. Cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô đi học tập tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài cho Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.