(HNMCT) - Trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, cụm từ “học trực tuyến” hay “học online” đã dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, sau một thời gian, mô hình dạy và học này đã xuất hiện một vài biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử giữa thầy và trò khiến dư luận băn khoăn. Để giữ vững và phát huy được những nét đẹp trong văn hóa ứng xử học đường, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) xoay quanh vấn đề này.
- Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, không thể phủ nhận, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu. Vậy theo bà, mô hình dạy và học trực tuyến này có phải đã và đang hình thành một nếp văn hóa mới?
- Theo tôi, đó là văn hóa của thời đại kỹ thuật số hay còn gọi là nền văn hóa thứ ba, “văn hóa mạng”. Theo Từ điển Di sản của Mỹ, “văn hóa mạng” là văn hóa sử dụng mạng máy tính và internet để giao tiếp, học tập, làm việc và giải trí giữa các cá nhân, các cộng đồng online, những người sử dụng email và các nhóm trò chơi. Nền văn hóa mới này ra đời từ các môi trường trên mạng. Người dùng mạng, dùng tri thức chung cũng là người sản sinh ra kiến thức mới, các quan hệ thứ bậc dần biến mất. Các lưu trữ nghệ thuật, thư viện, bảo tàng trở nên phong phú, dễ tìm kiếm nhờ có kỹ thuật và sự lưu trữ trên mạng...
Trong lĩnh vực dạy và học trực tuyến hiện nay, văn hóa học đường biểu hiện qua văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa của tất cả những gì thuộc không gian mạng bao gồm từ hình ảnh, biểu tượng đến các hành vi, lời nói, sự tương tác và cung cách thể hiện.
- Có thể nói gì về mặt trái của "văn hóa mạng", thưa bà?
- Chúng ta dễ dàng nhận thấy còn rất nhiều hạn chế trong việc dạy và học trực tuyến như văn hóa tham gia không gian mạng, sử dụng hữu ích các nguồn kiến thức và thông tin cho việc dạy học, học tập và cuộc sống. Đặc biệt, mặt trái rất rõ của việc dạy và học trực tuyến là cả người dạy và người học bị mất cảm xúc giao tiếp trực tiếp (một yếu tố rất quan trọng trong hình thành văn hóa ứng xử giữa con người với nhau). Với những đặc điểm của văn hóa mạng như: Hình thành trong cộng đồng sử dụng ICT (kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông); là văn hóa thể hiện trên màn hình máy tính; phụ thuộc vào sự trao đổi thông tin và kiến thức, cảm xúc của con người; phụ thuộc vào năng lực sử dụng các công cụ mà những hình thức văn hóa truyền thống không có; cho phép lan truyền nhanh, rộng rãi với sự tham gia và kết nối của nhiều người vào một vấn đề, là sự tương tác của nhiều người mà phần lớn họ chưa biết về nhau; không có biên giới do văn hóa mạng cũng như văn hóa truyền thống được hình thành dựa trên niềm tin và sự xác định danh tính. Tuy nhiên, do không có sự tương tác trực tiếp nên việc nhận dạng và xác định niềm tin tương đối khó... Chính vì những đặc điểm này nên đặc điểm thứ bậc trong giao tiếp dần mất đi, cảm giác về sự tôn trọng lẫn nhau (nhất là theo văn hóa truyền thống phương Đông) dường như rất chênh vênh, bị coi nhẹ.
- Trước những vụ việc xảy ra gần đây minh chứng cho sự lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử khi dạy và học trực tuyến, phải chăng chúng ta đang thiếu những quy tắc ứng xử khi tham gia dạy, học online, thưa bà?
- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu văn hóa trong các giờ học trực tuyến. Nguyên nhân cơ bản là chúng ta quá thiếu các điều kiện để dạy học trực tuyến cả về vật chất và tinh thần. Vấn đề của mạng internet, của thiết bị, máy tính, vấn đề chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng cho người dạy, người học thực hiện nhiệm vụ theo phương thức mới. Ví dụ, với học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS đòi hỏi phải có người lớn kèm học cùng, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một số biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa của các bậc cha mẹ, của người dạy và người học. Bởi để có người kèm cặp, các giờ học của trẻ phải chuyển vào những khung giờ bất bình thường, làm đảo lộn nhịp sinh học của những người liên quan; sau một ngày làm việc đã hết năng lượng, về nhà họ lại phải tham gia vào giờ học online của con, sự mệt mỏi, kiệt quệ về năng lượng khiến con người ta dễ bị rơi vào tình huống không làm chủ được cảm xúc của bản thân.
Ngày 17-6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tuy vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi, cần có bộ quy tắc cụ thể riêng cho hoạt động dạy và học trực tuyến. Đặc biệt, việc ban hành một bản quy tắc không khó, nhưng việc biến quy định trên giấy thành văn hóa ứng xử trên mạng, trong giờ học đòi hỏi phải có thời gian, phải có những chế tài cần thiết thì mới thành thói quen được.
- Cụ thể hơn, trong thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để văn hóa ứng xử học đường trở thành một thói quen, một nếp sống mới, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay?
Khi bàn về sự hình thành văn hóa mạng lành mạnh, các nhà giáo dục đề xuất 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là lấp các lỗ hổng về văn hóa tham gia mạng, cần hình thành các kỹ năng xã hội cho giáo viên, học sinh để giúp họ tham gia đầy đủ vào thế giới mạng. Tiếp đó là làm sáng tỏ các quan điểm về thế giới tự nhiên, thế giới xã hội trong "thế giới phẳng" ngày nay. Cuối cùng là vượt qua các thách thức về vấn đề đạo đức, những hạn chế trong hình thức đào tạo nghề nghiệp truyền thống.
Đặc biệt, để có một nền văn hóa mạng lành mạnh và con người sử dụng hữu ích các nguồn thông tin, các kỹ năng ICT sau được khuyến cáo bắt buộc phải hình thành cho công dân toàn cầu thế kỷ XXI, đó là: Kỹ năng chơi, nói cách khác là kỹ năng chơi các trò chơi có tính tập thể để cùng nhau giải quyết vấn đề, đó là những trò chơi trí tuệ có tính giáo dục cao, đặc biệt là chứa đựng các nội dung giáo dục, giảng dạy làm cho người học thấy hấp dẫn, thích thú, dễ tiếp thu; Kỹ năng thiết kế các mô hình trong thế giới ảo từ các vấn đề của thế giới thực (ví dụ như mô hình bão lốc, mô hình hệ mặt trời...); Kỹ năng thể hiện như viết bài luận, làm video về các sự kiện, các hiện tượng tự nhiên, xã hội, liên kết văn học với phim ảnh, chơi trò chơi đóng vai trong thế giới ảo, thể hiện cảm xúc, quan điểm của bản thân; Kỹ năng phân tích, bình luận và liên kết, hòa trộn các hình thức nghệ thuật với nhau; Kỹ năng phát tán thông tin; Kỹ năng hợp tác phát triển trí tuệ tập thể, sáng tạo và ủng hộ ý tưởng sáng tạo; Kỹ năng định hướng, bình luận, đánh giá, sàng lọc các nguồn thông tin; Kỹ năng thiết lập các Networks để tổng hợp, trao đổi thông tin; Kỹ năng làm việc và học tập trong một cộng đồng đa văn hóa... Khi các kỹ năng ICT được giáo dục tốt thì con người sẽ có văn hóa thích hợp với dạy và học trực tuyến.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.