Góc nhìn

Cần chính sách đặc biệt

Gia Khánh 20/09/2023 - 06:18

Vụ hỏa hoạn tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, một lần nữa cảnh báo những bất cập của loại hình nhà ở chung cư mini - tên gọi dân dã của nhà ở riêng lẻ do cá nhân xây dựng, chia thành nhiều căn hộ để bán và cho thuê.

Diện tích nhỏ, không bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn phòng, chống cháy, song chung cư mini lại tồn tại và phát triển do giá thành rẻ, nằm trong các khu dân cư đông đúc, thuận tiện cho việc sinh sống, học tập, làm việc. Nói như các chuyên gia xây dựng, chung cư mini là sản phẩm của kinh tế thị trường, phù hợp với nhu cầu của người thu nhập thấp, người lao động ở khu vực đô thị.

Nhưng việc nhiều người chấp nhận rủi ro để mua, sinh sống trong những chung cư mini cũng cho thấy một vấn đề lớn, đó là thị trường bất động sản đang thiếu trầm trọng sản phẩm nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội. Vụ hỏa hoạn tại quận Thanh Xuân không chỉ cảnh báo những bất cập của loại hình nhà ở chung cư mini mà còn cảnh báo vấn đề chỗ ở của người dân, một vấn đề lớn hơn, sâu xa hơn. Thực tế, chính sách phát triển nhà ở đã có từ lâu nhưng số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng chưa như mong muốn, bởi rất nhiều nguyên nhân, từ cơ chế, quy hoạch đến quỹ đất và đặc biệt là nguồn vốn để tạo lập quỹ nhà giá cả hợp lý và đối tượng thu nhập thấp có thể vay để mua nhà. Mới nhất, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng có mức lãi suất khá cao đối với cả chủ đầu tư dự án lẫn người mua nhà.

Việc khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân là chìa khóa giải quyết vấn đề, song muốn vậy phải có các giải pháp thực sự đột phá. Địa phương căn cứ nhu cầu thực tế trên địa bàn lập kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và bố trí quỹ đất để đầu tư. Đây là việc địa phương phải chủ động thực hiện, không trông chờ nhà đầu tư đề xuất. Khu đất quy hoạch phải có hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận tiện.

Trong các cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn giá rẻ là vấn đề cần được ưu tiên. Thực tế, năm 2013, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với gói tín dụng ưu đãi trị giá 30.000 tỷ đồng, hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành. Vì vậy, một chính sách tương tự cần sớm được triển khai. Nhà nước cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp, cơ quan quản lý giám sát đối tượng thụ hưởng chính sách để bảo đảm không xảy ra trục lợi.

Đối với các khu công nghiệp, cần có quy định nhà đầu tư xây dựng hạ tầng phải có cả hạng mục nhà ở cho công nhân thuê. Chính sách này vừa giải quyết vấn đề an sinh xã hội, vừa giúp công nhân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Mô hình rất thành công và đáng học tập là các khu nhà ở cho công nhân do Samsung Việt Nam xây dựng tại các khu công nghiệp Samsung đặt nhà máy sản xuất.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng, cơ quan được giao soạn thảo Luật Nhà ở sửa đổi, cũng đã đề xuất nhiều quy định mới về phát triển nhà ở xã hội. Song, để cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội cần thêm chính sách đặc biệt, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư phát triển phân khúc này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần chính sách đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.