Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội

Theo HỒ QUANG PHƯƠNG/QĐND| 28/02/2019 17:09

Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, về nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta xác định: Phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) là trung tâm. Chính vì thế, cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) cần phải tiên phong trong nhiệm vụ trung tâm này.


Đó là vì, xét về mặt thực tiễn, nước ta mới thoát ngưỡng thu nhập của một nước nghèo lên một nước có thu nhập ở mức trung bình thấp. Đời sống người dân mặc dù đã được cải thiện trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhưng chưa đồng đều, đời sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Do đó, muốn đưa đất nước ta “sánh vai các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì trước hết cần phải tập trung phát triển KT-XH.

Trong kháng chiến trước đây, chiến trường đầy máu lửa là nơi quyết định cho thắng lợi của cách mạng và đảng viên đã thể hiện rõ tính tiên phong của mình. Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế thị trường đầy cám dỗ nhưng lại có vai trò quyết định cho sự phát triển của đất nước, do đó, CB, ĐV cần phải thể hiện vai trò tiên phong trên mặt trận mới này. Không thể có những nhận thức không đúng, viện lý do "sợ CB, ĐV hư hỏng" mà đứng ngoài công cuộc phát triển KT-XH. Theo đó, trước hết, CB, ĐV phải thể hiện vai trò tiên phong trong đóng góp hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bởi hiện nay, thể chế đóng vai trò quan trọng, có tính quyết định trong cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới. Thể chế tốt có thể tạo hứng khởi, giúp huy động được nguồn lực không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế cho phát triển kinh tế. Với đặc điểm của nước ta, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, do đó CB, ĐV là nhân tố chính trong quá trình hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

CB, ĐV trên các cương vị công tác của mình cần phải phát hiện ra những vướng mắc, những hạn chế trong thực hiện các chính sách, thủ tục hành chính hiện hành, lắng nghe ý kiến đóng góp, từ đó đề xuất các phương án điều chỉnh cho phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh mới. Để làm được điều này không phải dễ dàng. Việc xác định đúng các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đã khó, nhưng để xử lý được các điểm nghẽn ấy còn khó hơn nhiều. Thực tế, những năm qua, trong công tác quản lý nhà nước ở chỗ này, chỗ kia vẫn còn hiện tượng o bế chính sách, vẫn còn chuyện xin-cho cơ chế riêng đối với các doanh nghiệp thân hữu. Thế nên, muốn tạo ra được môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn, minh bạch, công bằng, đòi hỏi CB, ĐV phải liêm chính, kiên quyết hy sinh các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, các lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nếu lợi ích ấy làm ảnh hưởng tới lợi ích chung, ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Phải kiên quyết phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng chính sách, chống việc cài cắm các điều khoản có lợi cho các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu khi xây dựng chính sách.

Đảng viên xã Ia Piar hướng dẫn bà con chăn nuôi đúng quy trình, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Ảnh: TTXVN


Cùng với đó, CB, ĐV cần phải đóng góp cho sự phát triển của các thành phần kinh tế nói chung, trong đó đặc biệt là kinh tế tư nhân (KTTN); đồng thời trực tiếp tham gia phát triển KTTN. Hiện nay, thành phần KTTN vẫn đang phù hợp với tính quy luật lịch sử-tự nhiên, vẫn đang có vai trò tích cực đối với sự phát triển KT-XH. Ngày 3-6-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây được coi là nghị quyết có tính chất bệ phóng cho sự phát triển của KTTN, không khác nào một “khoán 10” mới. Thế nhưng, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, để KTTN thực sự được tạo điều kiện tốt thì cần những nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2018 vừa qua, 56% doanh nghiệp cho rằng không còn phải chi trả chi phí không chính thức.

Con số này đã thay đổi rất lớn so với năm 2015, khi lúc đó chỉ là 37% doanh nghiệp. Như vậy, sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ trong xây dựng một nền hành chính “liêm chính, kiến tạo và hành động” tạo ra những kết quả khả quan, tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức đã giảm bớt. Tuy nhiên, các chi phí không chính thức có muôn hình vạn trạng, tình trạng tham nhũng vặt vẫn khá phổ biến, gây khó chịu, e ngại cho người dân và doanh nghiệp khi phải tiếp xúc với cán bộ, nhân viên hành chính ở các cơ quan công quyền. Cho nên, việc có quy trình, phương thức xử lý công việc minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ, nhân viên hành chính với doanh nghiệp và người dân là rất cần thiết, cùng với đó cần nêu cao tinh thần phục vụ, thực hiện tốt đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Từ Đại hội X, Đảng ta đã có Quy định số 15/QĐ-TW (Quy định số 15) về đảng viên làm KTTN. Qua hơn 10 năm thực hiện Quy định số 15, theo Kết luận số 29-KL/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về đảng viên làm KTTN có sự chuyển biến tích cực. Các quy định pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và tâm lý xã hội thuận lợi hơn cho đảng viên làm KTTN. Số lượng đảng viên làm KTTN năm 2017 tăng 3,57 lần so năm 2006, chiếm 2,72% tổng số đảng viên toàn Đảng. Phần lớn đảng viên làm KTTN giữ gìn phẩm chất, đạo đức, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên… Mô hình, phương thức hoạt động của các tổ chức đảng và phát triển Đảng trong khu vực KTTN được các cấp ủy đảng quan tâm đổi mới, từng bước hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp.

Có thể thấy rằng, việc khuyến khích đảng viên làm KTTN là phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, CB, ĐV cần phải có nhận thức đúng để tránh những tác động tiêu cực của việc tham gia vào hoạt động kinh tế nói chung và làm KTTN nói riêng; tránh những cám dỗ vật chất làm ảnh hưởng tới tư tưởng, dẫn tới xa rời Đảng, xa rời tổ chức, coi trọng phạm trù “kinh tế” mà bỏ quên “chính trị”, phai nhạt lý tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái biến chất, tham nhũng, làm giàu bất hợp pháp. Những CB, ĐV được giao đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp nhà nước cần phải phát huy tính liêm chính; năng động, quyết đoán nhưng phải thực hiện đúng các quy định của Đảng, của pháp luật, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tránh độc đoán, chuyên quyền, vô nguyên tắc dẫn tới những sai lầm gây thiệt hại cho Nhà nước và cho cả bản thân.

Nếu là người đứng đầu, quản lý doanh nghiệp, đảng viên luôn cần xác định rõ vai trò của mình để từ đó cơ sở, doanh nghiệp của mình có đóng góp tích cực với KT-XH, địa phương, bảo đảm tính bền vững, bảo vệ môi trường, đối xử tốt với người lao động, trả lương, thưởng, phân phối lợi nhuận trên cơ sở kết quả lao động theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, theo Điều 3, Quy định số 15 nói trên, đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn-kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp 100% vốn sở hữu Nhà nước phải thực hiện các quy định về những việc được làm và không được làm khi muốn tham gia vào KTTN. Điều này nhằm tránh tình trạng CB, ĐV trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong làm KTTN, tránh để vợ, chồng, con lợi dụng làm giàu bất chính.

CB, ĐV cần gương mẫu trong thực hiện các chính sách KT-XH tại địa phương. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển KT-XH tại các địa phương, như: Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình cho vay vốn để xóa đói, giảm nghèo... Để các chương trình nêu trên đạt hiệu quả cao thì rất cần tính tiên phong, gương mẫu của CB, ĐV ở địa phương. Ví dụ, để có nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì cần xây dựng các công trình hạ tầng, như: Đường, chợ, trạm y tế... Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, không thể đáp ứng đủ nhu cầu nên cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Thời gian qua, rất nhiều CB, ĐV ở các địa phương đã đi đầu trong hiến tặng đất, tiền của cho việc xây dựng nông thôn mới. Không chỉ thế, để thực hiện các chủ trương xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, nhất là khi thực hiện các chủ trương, chính sách mới thì việc gương mẫu thực hiện trước của CB, ĐV là rất cần thiết, tạo niềm tin trong nhân dân.

Dân gian có câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” cho thấy vai trò quan trọng của việc lãnh đạo bằng nêu gương của CB, ĐV. Phát triển KT-XH được Đảng xác định là nhiệm vụ trung tâm, vì thế, mọi CB, ĐV cần phải tự giác, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ này, để đất nước ngày càng giàu mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.