Theo các chuyên gia, hầu hết trường hợp bị bướu giáp nhân đều lành tính, chỉ có một số ít trường hợp là bị ung thư tuyến giáp.
Khó thở vì bướu đè
Cách đây mấy năm, chị Nguyễn Minh Đức (ở Phú Thọ) phát hiện vùng cổ có bướu nhỏ. Thấy bướu không gây khó chịu gì cả nên chị không để ý. Càng ngày bướu càng lớn gây mất thẩm mỹ, chị còn cảm thấy khó thở, ăn uống khó nuốt liên tục nên vào viện kiểm tra. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối bướu cho chị và cho tiến hành sinh thiết. May mắn là chị bị u lành tính.
Không may mắn như chị, anh Vũ Văn Trinh (ở Hà Nam) tình cờ phát hiện có nhân giáp ở cổ trong lần khám sức khỏe định kỳ. Khi được bác sĩ phẫu thuật lấy bướu và giải phẫu bệnh đã phát hiện anh bị ung thư tuyến giáp dạng nhú. Để điều trị, anh đã phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp rồi điều trị iốt phóng xạ tiêu hủy tế bào ung thư.
Theo GS.TS Phạm Minh Thông (Bệnh viện Bạch Mai), có 2 loại bướu nhân tuyến giáp là đơn nhân và đa nhân. Bệnh thường không có triệu chứng gì đặc biệt. Thường mọi người chỉ sờ thấy các nhân lớn nằm gần bề mặt, còn các nhân nhỏ có đường kính dưới 1cm rất khó bị phát hiện khi khám bằng tay, phải nhờ đến siêu âm. Hầu hết trường hợp bị bướu giáp nhân đều lành tính, chỉ có một số ít trường hợp là bị ung thư tuyến giáp.
Khi phát hiện trong bướu giáp có một hoặc nhiều hạt nên đi khám và theo dõi để các bác sĩ xác định những hạt này là lành tính hay là ung thư. Dựa vào các biểu hiện của bướu, khám, siêu âm và xét nghiệm tế bào bằng cách dùng kim nhỏ chọc hút nhân giáp, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chính xác nhất.
ThS.BS Đỗ Đức Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, bướu giáp nhân là bệnh lý hay gặp nhất của tuyến giáp. Đa phần bướu giáp nhân là lành tính nhưng cũng mang lại nhiều phiền toái cho người bệnh. Với kích thước nhỏ, chúng có thể không gây ra vấn đề về thể chất hoặc thẩm mỹ nhưng u to ra sẽ khiến cổ bị phù, có thể chèn ép lên khí quản, thực quản làm người bệnh khàn tiếng, khó thở, khó nuốt. Ngoài ra, chúng còn gây nhiều rối loạn như mệt mỏi, tăng cân do suy giáp hoặc viêm giáp, cường giáp trạng, suy giáp trạng… dẫn tới việc giảm cân ngoài ý muốn, dễ cáu gắt, khó ngủ, tim đập nhanh, suy tim... Bướu giáp cũng có thể gây ung thư.
Điều đáng nói, căn bệnh này khá phổ biến nhưng phần lớn người dân chủ quan, chỉ khi bướu to gây khó chịu mới điều trị. Theo các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh bướu giáp nhân trong dân cư lên tới khoảng 40 đến 60%. Mỗi năm theo thống kê, nước ta có khoảng 115.000 người đi khám và chữa bệnh bướu giáp nhân. Nữ giới có tỷ lệ mắc nhiều hơn nam và càng tuổi cao càng dễ bị.
“Để tránh biến chứng, khi thấy khối to bất thường vùng cổ, gây khó thở, nuốt khó, khàn tiếng hoặc có triệu chứng như sút cân nhanh, hồi hộp, lo lắng, run tay, mất ngủ... cần đi khám sớm”, ThS.BS Đỗ Đức Linh khuyên.
Điều trị không cần phẫu thuật
Theo GS.TS Phạm Minh Thông, trường hợp bướu lành tính có thể dùng thuốc uống hoặc không làm gì cả, chỉ theo dõi sự phát triển của bướu. Việc chỉ định điều trị chỉ được diễn ra khi kích thước khối u lớn, ảnh hưởng ăn uống, hô hấp hoặc gây các biến chứng. Nếu bướu giáp nhân là ác tính và được chẩn đoán là ung thư thì bắt buộc phải mổ, điều trị theo phác đồ ung thư tuyến giáp.
Hiện nay phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) được coi là xu hướng mới trong điều trị bướu giáp nhân. Đây là phương pháp dùng dòng điện tần số cao để giảm kích thước các nhân tuyến giáp lành tính mà không cần phẫu thuật. Nhờ vậy không để lại sẹo ngang vùng cổ, tỷ lệ tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược rất thấp so với phẫu thuật, hầu như không gặp biến chứng của suy giáp, tránh nguy cơ phải uống thuốc hóc môn tuyến giáp hằng ngày.
ThS.BS Đỗ Đức Linh cho biết, điều trị giáp bướu nhân hiện có nhiều phương pháp như nội khoa, phẫu thuật. Song các phương pháp này vẫn còn tồn tại những hạn chế. Với điều trị bằng thuốc, người bệnh cần dùng nhiều năm, không loại bỏ nhân mà chỉ ngăn không cho nhân to ra, có thể gây ra những biến chứng tim mạch, loãng xương, bệnh thận. Do không làm giảm kích thước bướu nên ảnh hưởng tới thẩm mỹ của người bệnh. Bướu có thể tiếp tục tiến triển, gây chèn ép, mất thẩm mỹ, cường giáp, ung thư hóa, vấn đề thẩm mỹ do sẹo xấu… Điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí bệnh có thể tiến triển nặng hơn khi chần chừ điều trị.
Việc điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần, thời gian phục hồi nhanh, có thể ra viện trong ngày do không phải gây mê, không gây tổn thương các cấu trúc quanh tuyến giáp nên hầu như không đau sau can thiệp, bảo tồn được phần tuyến giáp lành tính.
Sau thủ thuật, người bệnh tái khám định kỳ sau 1, 2, 6 và 12 tháng, sau đó 1 năm 1 lần trong 5 năm, siêu âm, có dopple màu, làm các xét nghiệm liên quan. Thường thì thể tích khối bướu sẽ giảm khoảng 40-60% sau 1 tháng, khoảng 90-95% sau 1 năm và hết các triệu chứng khó chịu của bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, phương pháp đốt sóng cao tần cũng được áp dụng trong nhiều trường hợp như u gan, phổi thận… đốt với RFA nhân lành tính tuyến giáp nói riêng những trường hợp: Kích thước trên 20mm (có thể đốt các nhân dưới 19mm), nang với phần đặc từ trên 50%, có triệu chứng lâm sàng (vùng cổ, loạn cảm họng, nuốt vướng, khó thở), vấn đề thẩm mỹ, nhân độc tuyến giáp (AFTN) gây nhiễm độc giáp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.