Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần báo chí chung tay xây dựng thương hiệu quốc gia

chinhphu.vn| 10/06/2010 15:30

Tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng: Chương trình giúp các DN Việt Nam có ý thức hơn trong việc xây dựng biểu tượng giá trị. Ảnh: Chinhphu.vn

Thông qua những phân tích và chia sẻ của các doanh nghiệp (DN) có thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam, Hội thảo "Chung tay xây dựng thương hiệu quốc gia" giúp các DN trong nước xác định rõ hơn những lợi ích khi tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG), cũng như gợi mở giải pháp, gợi ý kinh nghiệm để thực hiện quá trình xây dựng thương hiệu.

Giúp DN khẳng định thương hiệu của mình

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, mặc dù thị trường thế giới nhiều khó khăn nhưng trong 2 năm qua những thương hiệu đồng hành cùng Chương trình THQG vẫn đạt nhiều thành công.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hội đồng THQG cho rằng, Chương trình sẽ giúp các DN Việt Nam có ý thức hơn trong việc xây dựng biểu tượng giá trị, khẳng định vị thế và thương hiệu của mình.

Ông Võ Văn Quang, một chuyên gia về thương hiệu, đánh giá nhiều DN Việt Nam vẫn chưa đầu tư đúng mức về thương hiệu. Ví dụ, “Nước mắm Phú Quốc” là thương hiệu lớn, nhưng hiện tại nước mắm Phú Quốc chính gốc có tỷ lệ rất nhỏ so với các loại nước mắm mang nhãn Phú Quốc đóng chai bên ngoài địa danh này.

Việc kinh doanh thương hiệu và bảo vệ giá trị thương mại của thương hiệu tại Việt Nam gặp nhiều có nhiều khó khăn, song không phải là không làm được.

Ông Võ Văn Quang đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể về việc xây dựng và bảo vệ THQG của nhiều nước trên thế giới.

Ví dụ, cơ quan chức năng của Pháp đã tiến hành đấu tranh quyết liệt, và kết quả là ngoại trừ tỉnh Champagne của Pháp, tất cả các hãng rượu nổi tiếng trên thế giới đều không được ghi nhãn Champagne, những sản phẩm tương đương chỉ được gọi là rượu vang sủi tăm. Pháp cũng có quy định rất nghiêm ngặt về ranh giới địa lý vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, quy định phẩm cấp… rượu Champagne.

Rất cần vai trò của báo chí, truyền thông

Theo ông Võ Văn Quang, cần tăng cường kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có vấn đề xây dựng thương hiệu, hiện vẫn ở mức quá thấp. Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong khi ngân sách Nhà nước có hạn, bên cạnh việc các DN tự nỗ lực phấn đấu, điều quan trọng là phải phát huy vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí trong quảng bá thương hiệu của DN qua các hàng hóa sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, vai trò này đã được thể hiện khá rõ nét, khi các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp với DN đẩy mạnh việc quảng bá các Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, các hoạt động đưa hàng về nông thôn, tôn vinh DN, doanh nhân, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Bên cạnh đó, báo chí, truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cũng qua báo chí, hàng hóa, sản phẩm của các DN Việt Nam được người tiêu dùng cả nước biết đến ngày càng nhiều và lựa chọn sử dụng.

Cũng về vấn đề này, có đại biểu đã nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc bảo vệ thương hiệu của DN làm ăn chân chính trước nạn hàng nhái, hàng giả.

Hội thảo do báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hoà tổ chức ngày 9/6 tại Hà Nội.

Chương trình THQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 253/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai.

Chương trình lần thứ nhất năm 2008 đã lựa chọn được 30 DN có thương hiệu sản phẩm hàng đầu Việt Nam thỏa mãn được các giá trị “Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực lãnh đạo”.

Lần thứ hai (năm 2010) chương trình thu hút 2.000 DN đăng ký tham gia và có 43 DN đã được vinh danh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần báo chí chung tay xây dựng thương hiệu quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.