Theo dõi Báo Hànộimới trên

Campuchia tìm kiếm “vàng đen”

Thành Minh| 21/06/2010 07:46

(HNM) - Chính phủ Campuchia mới đây đã ký một thỏa thuận cho phép Tổng Công ty Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) thăm dò nhằm tiến đến khai thác dầu khí trên đất liền ở khu vực Biển hồ Tonle Sap của Campuchia.

Theo thỏa thuận, JOGMEC sẽ tiến hành khảo sát nghiên cứu lô 17 ở lưu vực hồ Tonle Sap rộng khoảng 6.500km2, trong tỉnh Kompong Thom, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 200km về phía Tây bắc.

Cuối tháng 4 vừa qua, trong chuyến thăm Paris, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chính thức công bố quyết định của chính phủ nước này cho phép Tập đoàn Total của Pháp được khoan thăm dò dầu khí tại Block số 3 ngoài khơi Campuchia. Total đã đồng ý bỏ ra 28 triệu USD cho bản thỏa thuận này. Theo Thủ tướng Hun Sen, Tập đoàn Dầu khí Total là công ty đã đưa ra số tiền cao nhất trong cuộc cạnh tranh với những đối thủ khác để giành được quyền thăm dò dầu khí trong khu vực trên.

Campuchia là quốc gia mới gia nhập vào hàng ngũ những nước có tài nguyên dầu khí lớn ở khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có nguồn dầu mỏ và khí đốt khá dồi dào nhưng vẫn chưa được khai thác. "Cơn sốt dầu khí" tại đất nước chùa Tháp đã bắt đầu từ năm 2005, sau khi dầu khí lần đầu tiên được phát hiện trong những lỗ khoan thăm dò ở ngoài khơi vùng biển phía Nam Campuchia. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ riêng nguồn tài nguyên dầu khí ngoài khơi của Campuchia đã có thể có trữ lượng lên đến 2 tỷ thùng dầu và 10.000 tỷ mét khối khí đốt.

Trữ lượng "vàng đen" của Campuchia đã thu hút nhiều tập đoàn dầu khí lớn của Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Australia, Kuwait, Nhật Bản… đến nước này trong những năm gần đây để tìm cơ hội đầu tư khai thác dầu khí. Cho đến nay, các công ty nước ngoài đang triển khai thăm dò và khai thác dầu khí trong 6 lô ngoài khơi Campuchia. Trong đó, ước tính, chỉ riêng trữ lượng dầu khí tại giếng dầu do Tập đoàn Chevron được phép liên doanh khai thác với phía Campuchia đã có thể lên tới 500 triệu thùng. Còn công ty dầu mỏ Thần Châu của Trung Quốc, sau khi bước đầu thăm dò, phân tích lô D trên vùng biển rộng 360km2 của Campuchia, đã cho biết trữ lượng dầu khí ở lô mà công ty được liên doanh khai thác với Campuchia này vào khoảng trên 226 triệu thùng dầu và 140 tỷ mét khối khí đốt.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi sau khủng hoảng, nhu cầu dầu khí trên thị trường thế giới tăng lên, việc triển khai các dự án dầu khí tại Campuchia của những tập đoàn dầu khí quốc tế đang được đẩy mạnh. Theo CNPA dự kiến, những mẻ dầu thương phẩm đầu tiên của Campuchia sẽ được sản xuất vào năm 2011. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho biết, nguồn thu từ khai thác dầu khí của Campuchia có thể sẽ được bắt đầu từ năm 2011, với khoảng 174 triệu USD/năm và tăng lên 1,7 tỷ USD/năm vào năm 2021.

Viễn cảnh tươi sáng của ngành công nghiệp dầu khí Campuchia thực sự là một tin tốt lành với những người dân đất nước đang phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài này. Hiện trên 30% trong tổng số 14 triệu người Campuchia đang sống ở mức nghèo đói (dưới 0,5 USD/ngày). Năm 2009, Campuchia đã nhận khoảng 1 tỷ USD viện trợ nước ngoài. Vì vậy, nguồn thu nhập từ dầu khí sẽ giúp nước này cải thiện được đáng kể cuộc sống của nhiều người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Campuchia tìm kiếm “vàng đen”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.