Với 80 tác phẩm tranh minh họa, triển lãm “Vẽ con rồng” do doanh nghiệp sáng tạo TiredCity, Cộng đồng VietnamLocal Artist Group (VLAG) tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào ngày 19-1 đã mang đến những câu chuyện mới lạ về linh vật rồng.
Hình tượng rồng trong tranh dân gian
Tại Việt Nam, hình tượng rồng đã trở nên quá thân thuộc trong cuộc sống của người dân. Từ xa xưa, rồng đã được các nhà điêu khắc, họa sĩ vẽ, chạm trổ, đắp, gò, đan, thêu, tết... nên những dáng vẻ kỳ diệu, dũng mãnh, oai nghiêm. Cho đến ngày nay, người ta dễ dàng nhận ra hình ảnh rồng trong không gian đình, chùa, miếu, lăng...
Đặc biệt, trong các bức tranh dân gian, hình tượng rồng luôn hiện hữu với dáng vẻ uy nghiêm. Nói về tranh dân gian thì không thể không nhắc đến bức “Rước rồng” thuộc dòng tranh Đông Hồ được nhiều người mua về vào dịp Tết đến xuân về. Trên nền 5 màu cơ bản, nguyên liệu tạo màu gần gũi mộc mạc, từ tro bếp, lá tre, hoa hòe, bột sò điệp..., quang cảnh đám múa rồng trong ngày hội xuân hiện lên với vẻ độc đáo, thể hiện sự sáng tạo trong cách chọn chất liệu, cách thể hiện và đặc biệt là cách truyền tải văn hóa truyền thống.
Tranh Đông Hồ còn có bức “Chuột múa rồng”. Bức tranh miêu tả đàn chuột rước rồng trong lễ hội. Đoàn rước gồm 11 chú chuột cầm đèn lồng hình cá, hình các loại hoa quả; có nhóm cầm cờ hay phù hiệu, có nhóm nhạc công thổi kèn, đánh trống trên xe kéo, đánh chiêng, đốt pháo. Bức tranh “Chuột rước rồng” nổi tiếng không những về bố cục, đường nét, cấu trúc, màu sắc mà còn bởi nội dung châm biếm về sự bất công giữa dân chúng cần lao với tầng lớp tham quan ô lại.
Khác với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống lại sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Tranh được in một lần bản nét, sau đó người nghệ nhân thể hiện bằng việc tô màu lên, tạo sóng bằng bút lông. Đầu thế kỷ XX, tranh Hàng Trống vẫn tiếp tục gây ấn tượng với chủ đề dân gian qua những tác phẩm đáng chú ý như "Tố nữ", "Chợ quê", "Hội Tây", "Múa rồng", "Múa lân"... Do có thêm công đoạn vẽ nét nên con rồng trong tranh Hàng Trống mềm mại hơn, các chi tiết mắt, râu, vảy sắc nét hơn.
Với tranh Kim Hoàng, đề tài gắn với cuộc sống mộc mạc quen thuộc của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ như con trâu, con bò, lợn, gà, cảnh ngày Tết, ông Công ông Táo, và tất nhiên là không thể thiếu hình tượng rồng nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua tranh để chơi Tết hay thờ. Con rồng trong tranh Kim Hoàng gây ấn tượng với những gam màu đậm như đỏ điều, đỏ sen, vàng yến, xanh lá đậm...
Hình tượng rồng dưới góc nhìn của người trẻ
Mới đây, hình tượng rồng lại được tái hiện trong 80 tác phẩm tranh rồng - thành quả sáng tạo của 75 họa sĩ minh họa trẻ với cảm hứng từ truyền thuyết, phim, truyện hay từ chính đời sống... Những tác phẩm này được giới thiệu trong triển lãm "Vẽ con rồng" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Chị Nguyễn Phương Thảo, admin quản lý Group Cộng đồng VietnamLocal Artist cho biết, triển lãm “Vẽ con rồng” là sự kiện nối tiếp thử thách minh họa và chiến dịch gây quỹ cùng tên được tổ chức thường niên bởi TiredCity và VLAG, nhằm hỗ trợ Blue Dragon Children’s Foundation - Tổ chức giải cứu, giúp đỡ trẻ đường phố và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên khắp Việt Nam. Tất cả các tranh rồng được trưng bày trong triển lãm được chọn lọc từ hơn 440 đơn đăng ký với hàng trăm bức họa đa dạng về màu sắc, thể loại và cách thể hiện.
Với hình tượng rồng, các họa sĩ trẻ đã tái hiện câu chuyện về rồng được lấy cảm hứng từ dân gian hay trong chính đời sống thường ngày. Như bức “Hãng rồng bay Việt Nam” của họa sĩ Đặng Thái Tuấn đã truyền tải tinh thần kết nối dân tộc qua chi tiết toa tàu đại diện ba miền Bắc, Trung, Nam. Tại mỗi toa tàu, Đặng Thái Tuấn sáng tạo thêm các chi tiết dựa vào đặc điểm đặc trưng của từng miền.
Trong bức “Rồng đỏ” của họa sĩ Bluessum là hình ảnh quen thuộc: Đội trống trong lễ chào cờ, những cô cậu học sinh tinh nghịch với bộ đồng phục và chiếc khăn quàng đỏ, hàng ghế đỏ đã đi vào tuổi thơ của rất nhiều bạn trẻ. Hình tượng rồng lấp ló, trốn tìm, tinh nghịch, hồn nhiên như tính cách tuổi mới lớn, gần gũi làm sao.
Tác giả Trần Phương Thảo giới thiệu tác phẩm “Thìn” với hình ảnh rồng thời Nguyễn được cách điệu. Hình tượng rồng trong tông màu nóng ấm giữa hồ sen làm tăng thêm sự diệu kỳ của linh vật huyền bí này. Mượn hình ảnh rồng để thay lời cảm ơn đến những “nữ anh hùng” của gia đình, tác giả Đào Nguyên Tài đã sáng tạo nên tác phẩm “Mang Tết về nhà”, với hình ảnh các bà, các mẹ rồng đặt tâm huyết vào từng chiếc bánh, bó hoa để vun vén cho mái ấm của mình một cái Tết trọn vẹn.
Dưới một góc nhìn khác, tác giả Bin Le tạo nên tác phẩm “Truyền nhân” nhờ cảm hứng có được từ trò chơi dân gian truyền thống - nặn tò he. Tác giả nhấn nhá tinh thần gìn giữ, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống qua hình ảnh hai chú rồng một già, một trẻ...
Hướng đến sự đón nhận của công chúng
Triển lãm “Vẽ con rồng” đã thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, tìm hiểu về linh vật thú vị này.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Hình tượng rồng thường cho cảm giác xa xôi, tôn quý, thường xuất hiện trong cung vua phủ chúa, nơi thờ tự trang nghiêm. Nhưng trong triển lãm này, rồng hiện hữu hết sức thân thuộc, dung dị và đầy sức sống, mang đến cho người xem cảm nhận về sức sống mới trong năm mới Giáp Thìn. Triển lãm được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mang thông điệp hướng về công chúng, góp phần đưa khu di tích này trở thành không gian sáng tạo, là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các bạn trẻ”.
Điều đáng nói là khi triển lãm “Vẽ con rồng” kết thúc, các tác phẩm sẽ có một đời sống khác. Theo chị Đỗ Phương Thảo, thường thì các tác phẩm trong thời gian diễn ra chiến dịch gây quỹ sẽ không được sử dụng với mục đích thương mại. Sau khi chiến dịch kết thúc, với những tác phẩm có tiềm năng khai thác thương mại trên sản phẩm khác, TiredCity sẽ có lời mời cộng tác trực tiếp tới tác giả và ký hợp đồng nguyên tắc sau khi kết thúc thử thách.
Cũng theo ông Lê Xuân Kiêu, thời gian qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có sự chuyển mình, tổ chức những triển lãm mang khát vọng lớn lao của các nghệ sĩ trẻ. Họ không đi theo lối mòn mà luôn cách tân, đổi mới, sáng tạo để mang đến cho công chúng những điều thú vị, mới mẻ. Cũng nhờ thế, thời gian qua rất nhiều du khách đã tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không chỉ để tham quan trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn được đắm mình trong không gian sáng tạo.
“Tôi cho rằng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thể “đứng im” chờ công chúng mà phải luôn vận động, đổi mới để mỗi khi bước chân vào đây là một lần du khách thu gặt được những cảm xúc mới” - ông Lê Xuân Kiêu bộc bạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.