(HNMCT) - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ô tô cá nhân, những năm gần đây, hình thức du lịch cắm trại bắt đầu được nhiều gia đình quan tâm. Khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành, trong đó có du lịch, thì xu hướng cắm trại bắt đầu lên ngôi.
Nhu cầu ngày càng cao
Sau những ngày bận rộn công việc và học tập, cuối tuần luôn là kỳ nghỉ được các gia đình trông đợi để thư giãn, nghỉ ngơi. Thay vì chi phí tốn kém cho việc thuê dịch vụ ăn nghỉ và thời gian di chuyển đến các địa điểm du lịch, nhiều gia đình đã tận dụng những ngày cuối tuần để tổ chức một chuyến dã ngoại, nhất là khi những đứa trẻ thế kỷ XXI thường ở trong 4 bức tường, thân thiết với các thiết bị điện tử thông minh hơn là gần gũi với thiên nhiên.
Camping - cắm trại giờ đã trở nên quen thuộc trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Chỉ cần tìm kiếm trên Facebook hai chữ “cắm trại”, có thể thấy hàng loạt nhóm đồng sở thích như "Rủ nhau cắm trại", "Hội Cắm trại - Dã ngoại Hà Nội", "Nghiện cắm trại", "Hội cho con đi dã ngoại cuối tuần", "Hội những người thích cắm trại", "Cùng con cắm trại", "Hội nghiện cắm trại Việt Nam"... Tại đó, các thành viên giới thiệu cho nhau những địa điểm dã ngoại, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thiết bị cắm trại và lập nhóm rủ nhau “lên đường”.
Không cần chuẩn bị quá cầu kỳ, bất cứ ai cũng có thể lập tức “đi trốn” - tạm rời xa sự ồn ào, chật chội trong thành phố để hòa mình vào không gian thiên nhiên yên tĩnh. Một chuyến cắm trại thường ít tốn kém bởi thức ăn được các gia đình chuẩn bị trước. Mỗi nhóm, mỗi gia đình có thể cắm trại theo cách khác nhau, chuẩn bị đồ ăn nguội để có nhiều thời gian chơi trò chơi, hoặc cùng nhau nướng thực phẩm, sửa soạn bữa ăn. Chẳng thế mà những năm gần đây, Công viên Yên Sở, Khu đô thị Ecopark, Bãi đá sông Hồng đã trở thành những địa điểm “hot” cho phong trào cắm trại cuối tuần. Vào các ngày nghỉ, thời tiết mát mẻ, những nơi này luôn rộn rã sắc màu của lều cắm trại và tiếng trẻ con nói cười. Nhiều địa điểm của Hà Nội trước đây thường chỉ thu hút dân phượt, họa sĩ hay những người mê chụp ảnh, thì nay, ngày càng nhiều gia đình đến cắm trại như núi Trầm, núi Hàm Lợn, hồ Đồng Đò, chân cầu Vĩnh Tuy, vườn nhãn Long Biên... hay những “bãi cắm trại” không tên mà dân “camping” chia sẻ qua hệ thống định vị.
Cùng với sự nở rộ của “phong trào camping” là các khu cắm trại chuyên nghiệp như Sơn Tinh Camp, Đường Tâm Phan, Nhà bên rừng, Khu du lịch sinh thái Bản Rõm, Camping Sport Đồng Mô, Bản Xôi Village... với các dịch vụ gồm cho thuê lều trại, bếp nướng, xe đạp cùng nhiều hoạt động ngoài trời như câu cá, chèo thuyền, đốt lửa trại...
Cắm trại tại gia, tránh xa Covid-19
Cắm trại “lên ngôi” khi các hoạt động du lịch bị hạn chế, người dân cũng tự có ý thức giãn cách để phòng, chống dịch. Đó là cách để thư giãn, tận hưởng thiên nhiên, song song với việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Khi dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, ngành Du lịch gần như bị tê liệt, cũng là lúc cắm trại trở thành giải pháp được nhiều người lựa chọn. Tìm đến các điểm cắm trại ít phổ biến để bảo đảm yếu tố giãn cách, anh Hàn Minh Hà (quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Ở nhà quá lâu và thường xuyên phải học online trước máy tính khiến lũ trẻ dễ bị mỏi mệt, nên tuần nào gia đình tôi cũng đi đâu đó để cắm trại. Việc này rất đơn giản, bố mẹ không tốn kém, con trẻ được trải nghiệm mà vẫn tuân thủ đúng quy định về phòng, chống dịch của Chính phủ”.
Không chọn cách phải di chuyển như anh Hà, nhiều gia đình quyết định: “Mình cắm trại tại gia - cùng vượt qua đại dịch”. Chỉ cần một không gian ngoài trời như sân thượng, khoảng sân trước nhà, hay thậm chí phòng khách, gara cũng có thể được “hô biến” thành địa điểm cắm trại. Một chiếc lều được dựng lên, vài dây đèn nhấp nháy đã đủ để bắt đầu cho một cuộc “cắm trại tại gia, tránh xa Covid”.
Trên nhóm “Rủ nhau cắm trại” hiện có hẳn chương trình “Cắm trại tại gia” với tiêu chí: “Ở nhà vẫn vui”, được tổ chức nhằm giải tỏa “cơn khát camping”. Các bức ảnh cắm trại tại nhà được các thành viên chia sẻ lên nhóm, cho thấy sự đa dạng, sáng tạo trong “cách phượt” của các gia đình. Thành viên Oanh Đỗ chia sẻ: “Bình yên trong phòng dịch chỉ đơn giản là vì dịch không đi cắm trại được thì dựng lều trên nóc nhà. Tối nào chúng tôi cũng lên chơi, hết ăn đồ nướng, lẩu lại pha ấm trà hoa hay ly bạc sỉu, cắn hướng dương, hóng gió và ngắm sao”.
Cắm trại tại nhà có lẽ là một cách “sống chậm” để các gia đình quây quần bên nhau và tận hưởng sự bình yên. Đó là những viên “vitamin hạnh phúc” để chúng ta vượt qua những ngày dịch còn đang diễn biến phức tạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.