Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảm nhận từ một năm vượt khó

Phạm Quang Nghị| 31/01/2014 14:29

Nhân dịp đầu xuân năm mới, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có bài viết về một năm với nhiều dấu ấn của Thủ đô.


2013, bên cạnh những thuận lợi, đất nước và Thủ đô vẫn phải đối mặt với nhiều sóng gió, chịu nhiều xung chấn tác động. Song, với sự vững vàng và tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm cao độ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2013, đạt nhiều thành tích rất đáng tự hào, tạo đà quan trọng để Đảng bộ Hà Nội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố, thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội


Những kết quả mang dấu ấn 2013


Một trong những dấu ấn khó quên của năm 2013 là bão Haiyan, cơn bão số 14 với sức gió dữ dội và sự tàn phá khốc liệt chưa từng có, một trong 4 cơn bão mạnh nhất trong lịch sử. Đất nước Philippines đã có 10 ngàn người chết, nửa triệu người mất nhà cửa. May mắn thay, siêu bão này đã không đổ bộ vào Việt Nam, nhưng chỉ với một chút “va quệt” cũng gây nên nhiều thiệt hại cho đồng bào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh, thành miền Bắc nước ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

“Cơn bão” tài chính khởi nguồn từ năm 2008 dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến cho nền kinh tế nước ta và Hà Nội nhiều năm qua bị chao đảo, đến 2013, mức độ ảnh hưởng vẫn còn rõ rệt. Kinh tế trong nước tuy đã ngăn chặn được đà suy giảm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại; nhiều doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động, một bộ phận người lao động thiếu việc làm, đời sống, thu nhập bị ảnh hưởng. Lần đầu tiên trong nhiều năm, Hà Nội đối diện với nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Nhiều người cho rằng, thu ngân sách đạt được hơn 80% kế hoạch đề ra đã là sự cố gắng lớn. Thế mà, chỉ trong hơn một tháng cuối năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao độ của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nghĩa vụ của các doanh nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành vượt dự toán được giao, với tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 163 ngàn tỷ đồng, bằng 100,9% dự toán, tăng hơn 10% so với năm 2012, đóng góp trên 17% thu ngân sách của cả nước.

Cùng với kết quả thu ngân sách, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2013 của Thành phố cũng hoàn thành ở mức cao. Ba mục tiêu cơ bản của năm 2013 đã đạt được: Kinh tế tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn cả năm tăng 8,25% (chỉ tiêu phấn đấu đề ra từ 8,0-8,5%); cao hơn mức năm trước (8,06%) và bằng 1,53 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng dưới 8%; thấp hơn năm 2012. Năm 2013, thành phố Hà Nội đóng góp vào thành tựu chung của cả nước 10,1% GDP, 7,5% kim ngạch xuất khẩu, 17,7% thu ngân sách, 21,6% tổng vốn đầu tư xã hội. An sinh xã hội được bảo đảm. Kết quả điều tra dư luận xã hội trên địa bàn Thành phố cho thấy Thành phố đã thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực trong “Năm kỷ cương hành chính”, tạo được chuyển biến rõ nét trong kỷ luật, kỷ cương công vụ.

Khẩn trương hoàn thành việc quy định cụ thể hóa Luật Thủ đô bằng 11 nghị quyết và 2 văn bản quy định của HĐND Thành phố; đã tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; triển khai đồng bộ công tác quy hoạch. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đẩy nhanh tiến độ, với những đường vành đai, những cây cầu vượt cùng sẻ chia trách nhiệm với con người, đã góp phần khắc phục đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông. Trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị tiếp tục được chấn chỉnh. Những ngôi nhà xây sai phép, trái phép, dù là của “đại gia” hay “tiểu gia” cũng đều bị xử lý công bằng, nghiêm minh. Văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và y tế tiếp tục phát triển.

Với tinh thần Hà Nội văn minh, hiện đại phải bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn, việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền Thành phố đặc biệt quan tâm, nhờ đó đã đạt được những kết quả rất nổi bật. Bộ mặt nông thôn của Hà Nội đã có những chuyển biến quan trọng. Chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; quốc phòng, an ninh được củng cố, giữ vững. Thủ đô Hà Nội được nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đánh giá là Thủ đô an bình cho cuộc sống của con người. Hoạt động đối ngoại, hợp tác, giao lưu với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng củng cố vững chắc vị thế, uy tín của Thủ đô đối với cả nước, trong khu vực và trên thế giới.

Đó là những kết quả phấn đấu đầy gian nan, vất vả nhưng rất đáng vui mừng và trân trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong năm 2013. Dù những kết quả trên hãy còn khiêm tốn, mặt này, mặt khác chưa được như mong đợi, song, người dân cũng thấy, trong bối cảnh khu vực và thế giới đang xảy ra biết bao biến động, gây khó khăn và tổn thất trước hết cho chính người dân, thì với những gì chúng ta đã đạt được trong năm 2013 trên bình diện cả nước cũng như ở Thủ đô là đáng vui mừng và trân trọng.

Vì việc chung, luôn luôn cầu thị

Năm 2013 cũng là năm Thành phố giải quyết có hiệu quả nhiều việc lớn, việc khó, việc phức tạp phát sinh bằng nhiều cách làm sáng tạo, với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm, vì lợi ích chung. Ngay từ đầu năm, Thành phố đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vì đất nước và Thủ đô vẫn rất cần có sự tăng trưởng kinh tế. Để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua bão gió, Thành phố đã khẩn trương ban hành chương trình hành động, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức giao ban, kịp thời tháo gỡ. Cùng với đó, đã tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành đến 100 doanh nghiệp để nghiên cứu giải pháp hoặc xử lý tại chỗ, gỡ khó cho doanh nghiệp. Riêng ở cấp Thành phố đã tổ chức gần 10 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, với ngân hàng hoặc trực tiếp với người lao động để cùng giải quyết những vướng mắc về thuế, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn vay hoặc hỗ trợ người lao động.

Thái độ, quan điểm ứng phó của lãnh đạo Thành phố trước những việc lớn, việc khó là luôn lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân dân, của dư luận để kịp thời điều chỉnh phương án phù hợp nhất với lợi ích chung. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố được triển khai quyết liệt, đem lại kết quả tích cực. Trong lĩnh vực giao thông, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc, như bố trí lại giờ làm việc, học tập của cán bộ, nhân dân; tổ chức lại các nút giao thông; sắp xếp lại mạng lưới điểm đỗ xe; tăng cường xử lý các vi phạm, v.v... Đặc biệt, đã khẩn trương xây dựng một loạt cầu vượt tại các nút giao trọng điểm thường xảy ra ùn tắc, góp phần đáng kể cải thiện giao thông Thủ đô.

Năm 2013, Thành phố tiếp tục triển khai các dự án phát triển hạ tầng, trong đó có việc dốc sức triển khai phần còn lại của dự án đường Vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Để tránh ùn tắc tại khu vực đầu mối có mật độ giao thông rất lớn này cần xây dựng cây cầu vượt gần di tích Đàn Xã tắc. Từ đó làm nảy sinh cuộc tranh luận sôi nổi về giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn với phát triển dưới góc nhìn đa chiều của các nhà sử học, khảo cổ, tổ chức giao thông và quản lý đô thị. Với tinh thần cầu thị, phương pháp làm việc khoa học, Thành phố đã trân trọng lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, trí thức cũng như đóng góp của đông đảo nhân dân để đưa ra nhiều phương án. Từ đó, đã tìm ra phương án tối ưu, được nhân dân đồng tình, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ di tích với phát triển giao thông đô thị, giữa bảo tồn giá trị truyền thống với đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện tại.

Tinh thần “đặt lợi ích chung lên trên hết” cũng được phát huy mạnh mẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đây là công cuộc phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của hàng triệu người; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị; là sự cần thiết phải phát huy các nguồn lực về lao động, đất đai, ngành nghề ở khu vực nông thôn, v.v... Trên mọi vùng đất của nông thôn Hà Nội đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân hiến đất mở đường, xây dựng công trình phúc lợi; đóng góp tiền của, công sức cho những công trình nông thôn mới. Nhờ thế, đến cuối năm 2013, đã có 55 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Toàn Thành phố dồn điền đổi thửa được 59.553/76.365ha, tạo cơ sở quan trọng cho việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; định hình vóc dáng của nông thôn hiện đại, đồng thời, chứng minh vị trí, vai trò quan trọng của “tam nông” trong sự nghiệp phát triển của Thủ đô hôm nay.

Chúng ta có thể kể tiếp những kết quả nổi bật, đáng mừng trong nhiều lĩnh vực khác, như văn hóa, giáo dục, du lịch, với việc Hà Nội được bình chọn là thành phố đứng trong tốp 5 về sự hấp dẫn, thu hút khách ở châu Á, và thành tích lập được tại SEA Games 27, với sự đóng góp gần 1/3 tổng số huy chương cho đoàn Việt Nam, v.v...

Bài học từ thành công

Chúng ta đã vượt qua năm 2013 đầy khó khăn với những nỗ lực rất lớn và cũng gặt hái được được những thành quả rất đáng phấn khởi. Nguyên nhân có nhiều, song để có được “mùa gặt thành công” là cả một quá trình chuẩn bị công phu.

Trong suốt 3 năm qua, Thành ủy đã kiên trì lãnh đạo thực hiện đồng bộ 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá, trong đó Chương trình số 01 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015" là chương trình trọng tâm, xương sống, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động toàn diện tới việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố, bởi kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Thành phố phụ thuộc chủ yếu và trước hết vào phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ và sức mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Là đảng bộ có số lượng đảng viên đông nhất cả nước, lãnh đạo toàn diện một địa bàn rộng lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng, cả về kinh tế, chính trị cũng như quốc phòng, an ninh, với hơn 7 triệu dân, 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã, Hà Nội cần một đội ngũ cán bộ không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, có trách nhiệm rất cao trước công việc. Sau 3 năm triển khai, Chương trình 01 đã đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện; nhiều chỉ tiêu đã vượt hoặc cơ bản hoàn thành; ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp được triển khai đồng bộ, tạo nhiều chuyển biến.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt Thành phố; cấp trưởng, phó 7 sở, ngành. Đi đôi với hoàn thành quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2011-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng bộ Thành phố đã giải quyết được những vấn đề khó mà nhiều năm trước chưa thực hiện, như: hoàn thành Đề án 06 về “Kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”; và thành phố Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 09 “về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”. Qua gần hai năm thực hiện đã thu được những kết quả rất đáng mừng: Trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã có 355 tổ chức cơ sở đảng được thành lập; 2263 đảng viên được kết nạp mới, trong đó có 3 chủ doanh nghiệp tư nhân; thành lập mới hơn 800 tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ với hơn 60.000 đoàn viên, hội viên. Các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tiếp tục được củng cố, nâng cao hơn chất lượng hoạt động, phát huy được vai trò, vị trí là những hạt nhân chính trị trong các doanh nghiệp.

Với số lượng đảng viên bằng gần 1/10 tổng số đảng viên cả nước, Đảng bộ Thủ đô nhận thức rất rõ việc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Đảng bộ Thành phố, mà còn góp phần tạo sự chuyển biến trong toàn Đảng. Ba nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết đã được Đảng bộ quán triệt đến từng cấp ủy cơ sở, triển khai thực hiện với tinh thần nghiêm túc, gương mẫu đi đầu, cấp trên làm gương cho cấp dưới, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động đối với đa số cán bộ, đảng viên. Việc quyết định chọn năm 2013 là “Năm kỷ cương hành chính” để khắc phục hạn chế trong những lĩnh vực yếu kém đã thể hiện quyết tâm của Thành phố trong thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra công vụ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để cấp dưới nhũng nhiễu, kết hợp nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng, hòm thư góp ý, v.v...; đi đôi với tập trung xử lý khẩn trương, kiên quyết những vụ việc tiêu cực, những vi phạm gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ, công chức Thủ đô. Tinh thần tự soi, tự sửa, tự khắc phục đã giúp mỗi cá nhân, tập thể nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn với công việc. Vì thế, hầu như tất cả các lĩnh vực có nhiều hạn chế, yếu kém đến nay đều có chuyển biến, tiến bộ, như: Quy hoạch, quản lý quy hoạch; quản lý đất đai; trật tự xây dựng; vệ sinh môi trường; cải cách hành chính; quản lý, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ và khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, v.v...

Có thể thấy, việc bám sát chỉ đạo của Trung ương, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình công tác, các nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá và trọng tâm, trọng điểm công tác, xử lý linh hoạt các vấn đề đột xuất, phát sinh chính là nguyên nhân quan trọng cho những thành công của Đảng bộ Thành phố trong năm qua. Trong đó, thông qua lãnh đạo đồng bộ, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng, trọng tâm là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, tác động tích cực, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thành phố.

Những điều còn trăn trở

Bên cạnh những kết quả và bài học thành công, năm 2013 cũng để lại trong chúng ta nhiều điều trăn trở, suy nghĩ về những hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục. Khối lượng công việc ở Thủ đô đương nhiên là nhiều hơn, lớn hơn các địa phương khác. Với vị trí Thủ đô, cán bộ và nhân dân luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao không chỉ về hiệu quả, chất lượng công việc; mà còn đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cần phải năng động, khẩn trương, quyết liệt hơn. Phải chăng có những đồng chí được giao phụ trách, đứng đầu cơ quan, đơn vị nhưng chưa hết lòng với công việc hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm. Do đó, trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, có nơi còn trì trệ, thiếu năng động, sáng tạo trong giải quyết công việc. Mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không phải là tiêu chí nói lên tất cả, nhưng việc Thành phố ở thứ bậc rất thấp là điều cần phải khắc phục. Hoặc những chậm trễ không đáng để xảy ra trong việc tu bổ chùa Trăm gian, chống dột chùa Diên Hựu (thuộc quần thể di tích chùa Một Cột); sự việc gần 80 người dân xin trả lại danh hiệu “Làng cổ Đường Lâm” là điều chúng ta cần nghiêm khắc nhìn nhận, rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Chúng ta đã đi được những bước dài trên con đường cải cách hành chính đầy cam go. Năm kỷ cương hành chính 2013 đã thu được nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng vẫn còn những tập thể, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm, thiếu lương tâm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc và bất bình trong dư luận, như việc “bớt xén” từng liều vắc-xin tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng; việc “nhân bản xét nghiệm” ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, hay vụ việc xảy ra gây chấn động dư luận ở thẩm mỹ viện Cát Tường; v.v... Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các trang mạng xã hội vẫn có quá nhiều thông tin tiêu cực làm cho chúng ta lo lắng về trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, về tác động của mặt trái cơ chế thị trường, khiến cho đạo đức xã hội bị sa sút.

Với những gì đã diễn ra, chúng ta cần nhìn nhận các hiện tượng của đời sống xã hội một cách đa chiều, tích cực và có trách nhiệm hơn. Trong cơ chế thị trường, bên cạnh những cái xấu, tiêu cực, cái đáng lên án, vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp cần nhân rộng, phát huy. Không một mùa đông giá rét nào có thể cản được mùa xuân sẽ đến. Bên cạnh một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, xung quanh ta vẫn còn rất nhiều tấm gương tận tụy với nước, với dân, với nghề. Trong thanh niên, đại đa số là những người sống có lý tưởng, biết yêu thương và đang cống hiến cho Tổ quốc bằng sức trẻ, tài năng và nhiệt huyết của mình. Vừa qua, trong những ngày lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta đã được chứng kiến những điều tốt đẹp, tưởng chừng vắng bóng đã lâu, thậm chí có người bi quan tưởng như các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đã bị đánh mất, nay lại sống dậy một cách hết sức mạnh mẽ, sống động và hùng hồn. Hình ảnh hàng nghìn thanh niên nam, nữ áo xanh của Thủ đô hàng ngày giúp đỡ người già, em nhỏ một cách ân cần, lễ phép; nhiều người tự nguyện ủng hộ hàng nghìn suất ăn, nước uống, trông giữ xe không lấy tiền; tự nguyện nhường người già, em nhỏ lên viếng trước, v.v… đã làm sống lại những nét đẹp ứng xử rất văn hóa của người Hà Nội.

Những gì đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2013 và trong những ngày lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đem lại cho chúng ta một cảm nhận lạc quan, một cái nhìn tích cực, có chiều sâu. Hình ảnh dòng người trật tự, vừa trang nghiêm, vừa kiên nhẫn chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những nét đẹp về văn hóa ứng xử, văn minh, thanh lịch của người Hà Nội cũng như của nhân dân mọi miền đất nước, là biểu hiện vô cùng sinh động về tình cảm gắn kết và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống toàn dân tộc. Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị mãi mãi là những giá trị cao quý của Hà Nội. Tự hào về những giá trị truyền thống đó, chúng ta nguyện cùng nhau phấn đấu cho sự tươi đẹp của Thủ đô và hạnh phúc của nhân dân. Để xây dựng Thủ đô xứng đáng với mong đợi của nhân dân cả nước, của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, mỗi cán bộ, đảng viên và công dân Hà Nội, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của Thành phố phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng; phải khơi dậy và phát huy sức mạnh của mọi nguồn lực, mọi người dân Thủ đô, chiến thắng mọi khó khăn, thử thách./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảm nhận từ một năm vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.