(HNM) - 20 tác phẩm xuất sắc nhất đã được Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Thủ đô 2010 vào cuối tháng 3. Số này được lựa chọn từ 31 tác phẩm được 9 hội chuyên ngành đề cử. Trong đó, chỉ có Hội Nghệ sĩ Múa là không có đại diện nào đoạt giải.
Dựa vào tiêu chí xét chọn giải thưởng, có thể thấy rõ các tác phẩm đoạt giải phản ánh được diện mạo chung của đời sống văn học - nghệ thuật Thủ đô năm 2010. Nét nổi bật là sự tập trung về đề tài Hà Nội, đặc biệt là các chủ đề nhân dịp Thủ đô tròn nghìn tuổi. Ở lĩnh vực văn học dân gian, hai tác phẩm “Chợ Hà Nội xưa và nay” và “Lệ làng Hà Nội” đi sâu vào nhiều khía cạnh chưa được tìm hiểu về hai mảng đề tài khá thú vị. Hai tác phẩm thuộc lĩnh vực sân khấu là “Tình sử ngàn năm” - kịch nói (tác giả Nguyễn Quang Lập; đạo diễn Doãn Hoàng Giang) và “Cao Bá Quát” - chèo (đồng tác giả Phạm Quang Long - Huy Thịnh; đạo diễn Doãn Hoàng Giang) cũng đã xây dựng khá rõ chân dung của hai nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp cho Thăng Long - Hà Nội là Lý Thường Kiệt và Cao Bá Quát.
Ở mỗi thể tài, tác phẩm đoạt giải đều cho thấy cảm hứng về đất, về người Thủ đô thực sự rõ nét. Nếu nhạc sĩ Văn Dung từ ý thơ Hoàng Kim Dung viết nên “Hà Nội của tôi” đầy chất trữ tình, nội tâm sâu lắng thì Lê Xuân Thọ với ca khúc “Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội” lại tràn đầy âm thanh hùng tráng, tươi vui, thể hiện được lòng tự hào và tình cảm mãnh liệt về Thủ đô nghìn năm tuổi. Và nữa, “Đền Ngọc Sơn trong ngày hội” - tranh sơn khắc, tác giả Đặng Tin Tưởng; “Tượng đài Thánh Gióng” - tác giả Nguyễn Kim Xuân; “Tượng đài Hòa Bình” - đúc đồng của Nguyễn Phú Cường...
Ở mảng điện ảnh, chất Hà Nội cũng hiển hiện trong 3 bộ phim tài liệu nghệ thuật: “Nhà văn Tô Hoài”, “Người còn lại với thời gian”, và “Hát dô Liệp Tuyết. Một cây đại thụ của làng văn; một gia đình Hà Nội năm xưa đã đóng góp rất nhiều cho cách mạng; một làng quê bên chân núi Ba Vì với làn điệu hát dô vào loại cổ xưa nhất nước ta vẫn đang tồn tại, tất cả đã được các nhà điện ảnh lưu giữ trong mỗi khuôn hình sinh động.
Bên cạnh những văn nghệ sĩ tên tuổi như cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, nhà nghiên cứu Đỗ Thị Hảo, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, họa sỹ Đặng Tin Tưởng, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, nhạc sỹ Văn Dung... Giải thưởng VHNT Thủ đô 2010 còn vinh danh khá nhiều gương mặt trẻ. Có thể kể tới Nguyễn Phan Quế Mai với tập thơ “Cởi gió”. Không chấp nhận cách cấu tứ quen tay, không dễ dãi trong ngôn từ, nữ tác giả chinh phục được Hội đồng Giám khảo bằng chính sự giản dị và chân thành trong cách biểu cảm. Mỗi bài thơ đều ăm ắp tình cảm với quê hương, với Hà Nội của một người con xa xứ.
20 tác phẩm đoạt giải có thể chưa được như kỳ vọng của một giải thưởng VHNT mang tên Thủ đô, nhưng chắc chắn từ đây sẽ gợi mở rất nhiều nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ đất ngàn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.