(HNM) - Giữa năm 2008, triển khai thực hiện Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong, UBND TP Hà Nội ban hành danh mục 62 tuyến phố và 48 di tích lịch sử văn hóa không được bán hàng rong (đã được cắm biển báo). Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, đến nay thực tế tại nhiều tuyến phố cấm, việc bán hàng rong vẫn đang vô tư diễn ra.
Nhiều người bán hàng rong vẫn hoạt động trên các tuyến phố, khu vực cấm. |
Ngồi uống nước ven hè trước cửa Nhà hát Lớn chiều 22-1, chúng tôi nhận được không ít lời chào mời mua hàng từ những người bán hàng rong này và cũng phải từ chối không ít lần. Tại phố Hàng Bông - một trong 16 tuyến phố trong danh sách cấm bán hàng rong trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tình trạng "cấm cứ cấm, bán vẫn bán" cũng diễn ra tương tự. Trưa 23-1-2013, trên phố Hàng Bông, ngay gần ngã tư Hàng Bông - Đường Thành, một nhóm khách du lịch nước ngoài bị "vây" bởi 3 phụ nữ bán quả dứa và chuối chín rong. Người thì cứ thế đặt chiếc quang gánh lên vai một ông khách ra dấu bảo họ chụp ảnh, người thì cầm túi dứa đã gọt vỏ, xắt thành miếng đựng trong túi ni lông chạy lại giúi vào tay một bà khách chèo kéo, mời mua quà. Chỉ đến khi những vị khách du lịch thấy khó chịu, lắc đầu, xua tay ra dấu kịch liệt và vội vã bước đi, nhóm bán hàng rong này mới buông tha. Họ quẩy hàng đi, đặt tạm những gánh quà này ở góc phố Đường Thành - tuyến phố không nằm trong danh sách cấm bán hàng rong, chờ đợi những du khách khác đi qua để tiếp tục chèo kéo, chào mời khách. Điều đáng nói, tại những khu vực này, đều có treo biển cấm, nhưng hoạt động bán hàng rong ở đây vẫn diễn ra "sôi nổi" mà không hề gặp bất cứ sự nhắc nhở nào từ cơ quan chức năng.
Không chỉ riêng những khu vực này, hiện nay trên nhiều tuyến phố "Cấm bán hàng rong" tại Thủ đô: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm); Kim Mã, Sơn Tây, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Thanh Niên (quận Ba Đình); Phố Huế, Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng); Khâm Thiên, Thái Hà (Đống Đa)... tình trạng hàng rong hoạt động vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn: phải chăng sau một thời gian thực hiện nghiêm chỉnh, quy định này đã bắt đầu không còn mang tính "thời sự"; các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương cũng đã thiếu đi sự kiên quyết trong việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các vi phạm?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.