(HNM) - Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước, chống úng ngập; nâng cao năng lực xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường... là những nhiệm vụ cấp thiết của Hà Nội đã được nêu rõ tại Nghị quyết 11 - NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Triển khai hàng loạt dự án cấp nước, thoát nước
Thủ đô đang đổi thay từng ngày theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Nhưng cùng với đó, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề.
Kiểm tra bể xử lý nước sạch tại Nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Tuấn Khải
Giai đoạn I của dự án thoát nước Hà Nội sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp nâng cao năng lực tiêu thoát nước, thể hiện qua số điểm ngập giảm và thời gian ngập được rút ngắn. Song vào thời điểm hiện tại, mỗi khi xảy ra mưa cường độ cao và kéo dài, khu vực nội đô còn tới hơn 20 điểm úng ngập cục bộ, đặc biệt là tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, ngã tư Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, phố Quán Thánh, Ngọc Khánh, Đội Cấn, ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du, phố Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến, ngã tư Láng Hạ - Thái Hà... Nhằm giải quyết hiệu quả mục tiêu chống úng ngập, giai đoạn II của dự án thoát nước đang được Ban QLDA thoát nước Hà Nội tập trung triển khai với mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2013, trong đó có nhiều hạng mục quan trọng như cải tạo các hồ Bảy Mẫu, Đống Đa, Hào Nam, Phương Liệt, Linh Đàm; cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực các sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ và Sét; xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu; cải tạo kênh thoát nước sông Kim Ngưu... Đây là các hạng mục nằm trong dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, nhằm từng bước cải thiện môi trường và nâng cao năng lực thoát nước của Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hướng tới tầm nhìn xa hơn, Hà Nội đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lập quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để trình Chính phủ. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, đến năm 2030, dự kiến tổng chi phí đầu tư cho hệ thống thoát nước Thủ đô sẽ vào khoảng 116.417 tỷ đồng với phạm vi lập quy hoạch là đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 2 đô thị sinh thái, khu vực vùng ven đô thị. Tại cuộc họp bàn về quy hoạch thoát nước mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Quy hoạch phải bảo đảm phát triển ổn định, bền vững từ các khâu thoát nước mưa, nước thải, đến thu gom, xử lý. Mục tiêu của quy hoạch nhằm xóa điểm ngập úng ở trung tâm Thủ đô, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường.
Lĩnh vực cấp nước được đặc biệt quan tâm. Sau mở rộng địa giới hành chính, diện tích của Hà Nội đã tăng gấp gần 3,6 lần, dân số tăng gần gấp 2 lần. Nhưng việc mở rộng cũng đặt ra cho TP và đơn vị đảm trách công tác cấp nước những nhiệm vụ nặng nề bởi hầu hết các huyện mới sáp nhập chưa có nước sạch. Ngay cả quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây cũng mới có 70-90% số dân đang sử dụng nước sạch. Đại diện Sở Xây dựng cho biết: Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 30% dân cư nông thôn sống gần các đô thị được cấp nước sạch từ mạng lưới cấp nước. Đến năm 2030 tăng lên khoảng 40% dân cư nông thôn được cấp nước. Các khu vực xa đô thị sẽ được cấp nước từ các trạm cấp nước tập trung quy mô nhỏ khai thác nguồn nước tại chỗ… Theo ông Nguyễn Như Hải, Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội, Thủ đô Hà Nội có 3 con sông lớn gồm sông Hồng, sông Đuống và sông Đà. Đây chính là lợi thế giúp TP chủ động về nguồn nước cho những mục tiêu lâu dài, đặc biệt là khi nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt và đã được giới khoa học khuyến cáo chấm dứt khai thác vào năm 2030. Để chủ động nguồn nước, TP đã xác định sẽ đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Đuống; tăng khả năng tiếp nhận nguồn nước mặt sông Đà.
Theo Sở Xây dựng, Hà Nội đã lên danh mục các dự án cấp nước ưu tiên thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trong đó đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng và Nhà máy nước mặt sông Đuống. Giai đoạn I (công suất 300.000m3/ngày đêm/nhà máy) của hai nhà máy này sẽ hoàn thành và phát nước vào năm 2015. Bên cạnh đó là việc nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đà lên 600.000m3/ngày đêm và phát nước vào năm 2020.
Tập trung xử lý rác thải, bảo đảm chất lượng môi trường
Quá trình đô thị hóa đặt ra cho Thủ đô những bài toán về xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải rắn đô thị và khu vực nông thôn; rác thải y tế và rác thải nguy hại; xử lý ô nhiễm nước sông… Sở Tài nguyên và Môi trường từng đưa ra cảnh báo Hà Nội sắp hết chỗ chứa rác thải. Lo ngại này là có cơ sở bởi lượng rác thải hằng ngày quá lớn trong khi diện tích các bãi chứa rác không đủ, công nghệ lại quá lạc hậu. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện nay khoảng 5.000 tấn/ngày đêm. Trong đó chất thải rắn công nghiệp khoảng 750 tấn/ngày và mới xử lý khoảng 60% lượng chất thải rắn công nghiệp thu gom được.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, nhằm giải quyết vấn đề này, TP đang tập trung triển khai các dự án xử lý rác thải quy mô lớn như: Nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến của Đức tại khu xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn I với công suất 2.000 tấn/ngày theo hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đầu tư khu xử lý rác Sóc Sơn giai đoạn II quy mô 160ha; khu xử lý rác Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) với diện tích 9,2ha, công nghệ xử lý thành phân hữu cơ; khu xử lý rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) giai đoạn II với diện tích 13ha… Với rác thải nông thôn, TP đã xác định 7 địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung cấp huyện tại Đông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Chương Mỹ; một số xã, thị trấn chủ động đầu tư xây dựng điểm chôn lấp rác có kiểm soát, quy mô nhỏ để chôn lấp rác tạm thời.
Trong các nhiệm vụ trọng tâm về cải thiện môi trường, TP Hà Nội rất quyết liệt mục tiêu làm sống lại các dòng sông chết. Với sông Tô Lịch, không chỉ tuyên truyền, vận động người dân không đổ rác, phế thải xuống sông, Hà Nội đã đầu tư làm đường hai bên bờ sông; phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch từ sông Nhuệ với lưu lượng 5-7m3/s với chiều dài toàn tuyến dẫn nước khoảng 10,5km. Với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề. Triển khai dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý cho một số làng nghề của huyện Hoài Đức, bao gồm: Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu, Vân Canh…
Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đánh giá về các giải pháp bảo vệ môi trường Thủ đô, không thể không đề cập tới chủ trương thí điểm xử lý ô nhiễm hồ và xã hội hóa cải tạo một số hồ trên địa bàn TP. Chỉ sau hơn một năm xử lý và duy trì chất lượng nước hồ theo chương trình thử nghiệm, kết quả khảo sát tại 12 hồ được xử lý ô nhiễm cho thấy chất lượng nước hồ đều đã được cải thiện, giảm hiện tượng cá chết, cảnh quan hồ đẹp hơn và được cộng đồng dân cư sống quanh hồ ghi nhận.
Dù còn nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai tổng thể các chương trình, dự án cấp - thoát nước, bảo vệ môi trường nhưng với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan trung ương, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành một Thủ đô xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.