Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư

Anh Minh| 05/07/2014 07:24

(HNM) - Niềm tin vào sự ổn định và khả năng tăng trưởng của giới đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với môi trường kinh doanh Việt Nam đang từng bước cải thiện rõ rệt. Nhiều DN Châu Âu đánh giá khá cao và tỏ rõ sự tin tưởng vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang hồi phục tích cực. Ảnh: Yến Ngọc



Số doanh nghiệp (DN) cho rằng tình hình hoạt động là "không khả quan" đã giảm xuống còn 21% trong quý II (quý I-2014 là 29%); khoảng 57% DN có phản hồi tích cực khi dự báo về kết quả kinh doanh trong 6 tháng sắp tới; 81% DN cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô hoặc có thể xem xét khả năng tăng đầu tư, mở rộng hoạt động. Nhìn xa hơn, phần lớn DN Châu Âu kỳ vọng vào những điều kiện thuận lợi hơn đối với họ khi Việt Nam kết thúc đàm phán để tham gia các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới. Khi đó, nhiều quy định, thủ tục về hành chính quản lý như thuế, xuất xứ hàng hóa, hải quan… sẽ được đơn giản hóa tối đa và giúp giảm chi phí cũng như thời gian thực hiện thủ tục. 75% DN xác nhận sự thuận tiện của hệ thống hải quan điện tử vừa áp dụng và đang phát huy hiệu quả tại một số cửa khẩu, đồng thời mong muốn điều này sẽ lan tỏa trên diện rộng trong tương lai gần. Bên cạnh đó, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Đại sứ quán Nhật Bản về phối hợp phòng chống tham nhũng trong các dự án sử dụng ODA vừa diễn ra tại Hà Nội cũng là một sự kiện góp phần củng cố niềm tin của giới đầu tư ngoại, cho thấy sự quyết tâm minh bạch hóa thông tin của Chính phủ trong việc phòng chống vấn nạn này, đồng thời sẵn sàng hợp tác, bảo vệ DN. Cộng đồng DN Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đánh giá cao sự cầu thị, quyết tâm bảo vệ quyền lợi DN khi Chính phủ kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai hàng loạt biện pháp để chủ động hỗ trợ, chi trả bảo hiểm cho những đơn vị bị thiệt hại trong một số sự vụ quá khích xảy ra tại các khu công nghiệp, chế xuất. Những hành động kịp thời và thiết thực đó đang củng cố niềm tin, tạo dựng hình ảnh về một điểm đến thân thiện và an toàn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đang hoàn tất bước chuẩn bị cuối cùng để tiến tới đầu tư 1 tỷ USD cho dự án mới tại Bắc Ninh nhằm liên kết các cơ sở sản xuất đã có và thiết lập trung tâm sản xuất có tầm vóc toàn cầu của mình ở miền Bắc Việt Nam. Để đi đến sự cân nhắc mang tính chiến lược này, Samsung đã đúc rút kinh nghiệm thực tế sau hơn 20 năm hiện diện cũng như xác định thế mạnh nổi bật của Việt Nam với tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư - kinh doanh liên tục được cải thiện, theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; thể hiện rõ tinh thần vì nhà đầu tư. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, xác lập khuôn khổ pháp luật cơ bản về môi trường kinh doanh ở Việt Nam và đang được cộng đồng DN chờ đón. Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư Nhật Bản vào đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 theo hướng chuyên sâu, thuộc khuôn khổ cụ thể hóa thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản về tăng cường hợp tác kinh tế nhằm tiếp đón các DN công nghiệp phụ trợ. Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cơ hội tốt để DN Việt tiếp cận nhu cầu cung cấp linh kiện và từng bước "lấn sân" vào quá trình nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp trong nước, đặc biệt là đối với sản phẩm xuất khẩu. Một số lĩnh vực được kỳ vọng thu hút nhiều DN Việt là vật liệu, cơ khí, chế tạo khuôn mẫu, hóa dầu.

Thu hút đầu tư nước ngoài là một quá trình lâu dài và đương nhiên cần được liên tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng để hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư. Đã có nhiều bài học thành công trong nước và quốc tế trong việc gọi vốn ngoại, tuy có thể khác nhau về "đường đi, nước bước" nhưng luôn giống nhau về đặc điểm cầu thị; quan điểm hỗ trợ, bảo vệ DN; cải thiện chỉ số môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ, các ngành và địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.