Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện mạnh môi trường kinh doanh

Hồng Sơn| 04/04/2011 07:09

Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2010 vừa được công bố, năm 2010 Việt Nam đã cải thiện khá mạnh về môi trường kinh doanh, tiến 10 bậc so với năm 2009, đứng thứ 78/183 nước tham gia khảo sát và đứng thứ 4 trong số 10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh.


Các chuyên gia nhận định, môi trường kinh doanh được cải thiện phần lớn là nhờ những nỗ lực của các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Việc cải thiện môi trường pháp lý với những thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho DN. Đến đầu năm 2011, tổng số DN đăng ký thành lập đã đạt 544.394 DN, vượt mục tiêu đề ra.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) xác nhận, Việt Nam ngày càng thể hiện rõ tiến trình hội nhập một cách chủ động, hiệu quả; đồng thời hấp dẫn hơn trong mắt cộng đồng nhà đầu tư trong, ngoài nước nhờ kiên trì áp dụng những chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh; từ đó đã cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều tập đoàn, công ty quốc tế đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đông Nam Á… xác định Việt Nam là nơi ưu tiên lựa chọn để triển khai cơ sở sản xuất trong chiến lược trung, dài hạn. Tuy nhiên, giới quan sát cũng chỉ ra những yếu tố hạn chế tác động không tốt đến hoạt động của DN trong năm 2010, như lãi suất ngân hàng ở mức cao, tình trạng lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn ở mức cao. Điều này đẩy nhiều DN vào tình thế bị động, phải thu hẹp sản xuất, mất cơ hội duy trì sự ổn định hoặc mở rộng quy mô kinh doanh. Nền kinh tế luôn phải đối phó với tình trạng nhập siêu, thiếu vốn, bấp bênh về tỷ giá... Hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn trong tình trạng yếu kém, thiếu đồng bộ. Tình trạng thiếu điện vẫn diễn ra. Mạng lưới giao thông mặc dù có nhiều cố gắng trong cả đầu tư và xây dựng nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Các chuyên gia khuyến cáo, DN nên tái cấu trúc theo tiến trình phù hợp để cải thiện năng suất lao động, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Có chuyển biến đáng mừng là hiện nay nhiều DN đã đầu tư thỏa đáng cho mục tiêu cải thiện chất lượng lao động, hướng tới sự đồng thuận và tối ưu hóa trong sử dụng lao động, nâng cao tiêu chuẩn chuyên nghiệp và sức cạnh tranh… Một số DN xác định con người là yếu tố tạo ra sự bứt phá, làm nên bản sắc riêng và hiệu quả kinh doanh trong quá trình tái cơ cấu. Đặc biệt, các DN tư nhân đang có xu hướng chuyển dịch sang những ngành đòi hỏi cao về chất lượng lao động, như thông tin - truyền thông, các dịch vụ chuyên ngành và khoa học công nghệ, nhất là cung cấp giải pháp kỹ thuật, tư vấn môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện mạnh môi trường kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.