(HNM) - Thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm có gần một triệu lượt người phải vào cấp cứu tại các bệnh viện công lập, tuy nhiên chỉ có chưa đầy 1% được đưa đến bằng xe cấp cứu. Nguyên nhân là do hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của thành phố gần 10 triệu dân.
Một trung tâm cấp cứu tư nhân sử dụng bằng xe máy để giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông. |
Tự "xoay xở" khi cần cấp cứu
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ, bà rất đau lòng khi chứng kiến người bệnh lên cơn đau tim đã chết vì xe cấp cứu đến muộn. Bệnh nhân là ông X (72 tuổi), ngụ tại Hóc Môn, người đã đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Ghép các bộ phân cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy do bác sĩ Thu đảm trách. Trong một lần lên cơn đau tim cấp, vợ ông X đã gọi điện thoại yêu cầu xe cấp cứu. Thời điểm bệnh nhân lên cơn đau tim vào 17h, các ngả đường TP Hồ Chí Minh kẹt cứng, khi xe cấp cứu đến nơi thì bệnh nhân đã tử vong.
Từ thực tế xe cấp cứu thường xuyên đến trễ, người dân TP Hồ Chí Minh đa số phải tự di chuyển đến bệnh viện bằng xe máy hoặc taxi, thay vì trông chờ phương tiện này. Giải thích vấn đề này, bác sĩ Võ Quang Huy - Quyền Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: "Về mặt chuyên môn, khi nhận được cuộc gọi vào tổng đài 115 chúng tôi triển khai trong vòng 1-2 phút là xuất xe ra khỏi trung tâm. Trong khu vực thành phố chừng 5-10 phút là có thể tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, có những trường hợp xe cấp cứu đến chậm do các yếu tố khách quan như địa lý xa và ùn tắc giao thông...".
Bác sĩ Võ Quang Huy cũng cho biết, Trung tâm Cấp cứu 115 chỉ mới được thành lập 2 năm, từ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Trưng Vương. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, nhân lực còn thiếu và yếu. Đội xe cấp cứu chỉ có 6 chiếc nhưng hoạt động từ nhiều năm trước, đã xuống cấp. Trang thiết bị, cơ sở vật chất cũ kỹ, thiếu thốn. Trong khi đó, thu nhập nhân viên y tế quá thấp so với mặt bằng tại các bệnh viện. Trung tâm không giữ chân được các bác sĩ, nên nhân lực hiện nay thiếu trầm trọng, 2 năm liền không tuyển được bác sĩ mới.
Hướng giải quyết đã có
Nắm bắt được nhu cầu đưa người bệnh đi cấp cứu tại TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây các cơ sở y tế tư nhân đã cung cấp dịch vụ cấp cứu. Các đơn vị như Cấp cứu Xuyên Việt, Vận chuyển cấp cứu 115, Phòng khám Afamily, SOS Vạn Khang... Để đối phó với tình trạng ùn ứ giao thông, Trung tâm SOS Vạn Khang còn có một mạng lưới xe máy cấp cứu một cách cơ động, áp dụng cho tình trạng tắc đường hoặc nhà trong hẻm sâu xe ô tô không tiếp cận được.
Xe máy được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu giống ô tô như bình oxy, máy điện tim, bộ đặt nội khí quản… để thực hiện cấp cứu tại chỗ hiệu quả. Cách làm này được nhiều chuyên gia y tế đánh giá cao. GS.BS Trần Đông A cho rằng: "Hệ thống cấp cứu tư nhân đã vào cuộc, đưa hình thức cấp cứu bằng xe máy với trang bị đầy đủ là tín hiệu đáng mừng và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của thành phố. Nếu sớm được nhân rộng và phổ biến hơn thì người bệnh sẽ được hỗ trợ tốt hơn". Tuy nhiên, hầu hết đây là mô hình cấp cứu chỉ dành riêng cho bệnh nhân phòng khám, bệnh viện tư đã đăng ký mua dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ trước chứ không phải cho tất cả các trường hợp khẩn cấp.
Thực tế, Trung tâm Cấp cứu 115 cũng là một dịch vụ đưa người bệnh đi cấp cứu, người dân cũng phải trả phí theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, nhiều trường hợp không thu phí được do khi xe cấp cứu đến nơi bệnh nhân đã được đưa khỏi hiện trường, bệnh nhân hôn mê, bất tỉnh không có thân nhân... Theo bác sĩ Bùi Quang Huy, trung tâm chỉ thu được vài triệu đồng/ngày, không đủ chi trả cho bộ máy hơn 130 nhân viên, nên đời sống đội ngũ y tế gặp nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài thì Trung tâm Cấp cứu 115 không thể giữ chân bác sĩ được. Trong khi đó, ê kíp xe cấp cứu bắt buộc theo quy định của Bộ Y tế phải là 1 bác sĩ , 2 điều dưỡng và một lái xe.
Để giải quyết khó khăn này, mới đây Sở Y tế đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh nghiên cứu đề án phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo mô hình Paramedic. Họ là chuyên viên sơ cứu chuyên nghiệp với nhiệm vụ đi theo xe cứu thương tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất để vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất. Chuyên viên này không phải là bác sĩ, cũng không phải là y sĩ hay điều dưỡng mà là một chuyên viên được đào tạo về y khoa. Mô hình này hiện được các nước như Anh, Australia, Candada, Mỹ đang áp dụng rất hiệu quả. Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố trong quý 1-2016 và chờ Bộ Y tế cho phép để thí điểm trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.