(HNMO) - Việt Nam cần phải cải thiện chất lượng và tính phù hợp của nền giáo dục và đào tạo ở các trường trung học phổ thông và dạy nghề, nhằm đáp ứng được tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh chóng cho nhóm lao động kỹ năng trung bình khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015.
Đó chính là nội dung nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa qua có tiêu đề: “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”. Điều này cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu dưới tác động của hội nhập AEC sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các trình độ kỹ năng khác nhau. Trong đó, nhu cầu đối với trình độ kỹ năng trung bình sẽ tăng nhanh nhất, theo sau là các công việc có kỹ năng thấp.
Các dự báo từ mô hình trên cho thấy, từ năm 2010 đến 2025, nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình sẽ tăng 28%, so với mức tăng 23% ở lao động có trình độ kỹ năng thấp và 13% cho lao động có kỹ năng cao.
“Với tỷ lệ biết chữ cao và các thành quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục cơ bản, Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về lao động có trình độ kỹ năng thấp nhưng Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để có thể chuẩn bị cho những việc làm cần kỹ năng trung bình” - ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.
Được biết, tỷ lệ biết chữ của Việt Nam ở mức cao, đạt 93% và tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đạt 98%. Trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA, học sinh Việt Nam lứa tuổi 15 đạt điểm cao hơn mức trung bình của các nước OECD ở các môn toán và khoa học, cho thấy thành tích học tập của học sinh cấp trung học cơ sở ở Việt Nam ở mức cao.
Tuy nhiên, về khía cạnh thực hành, một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới đối với người sử dụng lao động trong năm 2014 cho thấy khoảng trống trong các kỹ năng chuyên môn liên quan đến công việc, các kỹ năng nhận thức như giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, và các kỹ năng cốt lõi như làm việc theo nhóm và giao tiếp.
“Khoảng cách kỹ năng vẫn còn tồn tại giữa nhà trường và nơi làm việc. Vì thế, việc thu hẹp khoảng cách và đáp ứng nhu cầu về kỹ năng trong tương lai thông qua thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và giáo dục, cũng như sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển các chuẩn kỹ năng và chương trình đào tạo là hết sức quan trọng” - Giám đốc ILO Việt Namnhấn mạnh thêm.
Các kiến nghị khác được đưa ra trong báo cáo nhằm giúp Việt Nam đáp ứng được sự tăng trưởng việc làm đòi hỏi kỹ năng trung bình bao gồm việc gắn kết quy hoạch kinh tế và nhân lực, chứng nhận kỹ năng và tăng cường quan hệ đối tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.
Theo dự báo, với sự mở rộng của các ngành dệt may, xây dựng và vận tải, việc tập trung vào phát triển các kỹ năng nghề cụ thể cùng với thúc đẩy nghiên cứu khoa học kĩ thuật sẽ giúp lao động trẻ Việt Nam có được sự chuẩn bị cho tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.