Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 03/05/2012 07:06

(HNM) - Loạt bài Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: Vì Hà Nội văn minh, hiện đại đăng trên Báo Hànộimới thời gian vừa qua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả và có sức lan tỏa rộng lớn.


Ông Phạm Xuân Ngọc (Công ty cổ phần Viễn thông Quân đội Viettel):Sử dụng hiệu quả các "khu đất vàng"


Nghị quyết 11 nhấn mạnh đến việc hoàn thành di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi trung tâm thành phố. Việc này không đơn giản nhưng chúng ta đang từng bước triển khai có hiệu quả. Vấn đề mà nhiều người dân quan tâm là việc sử dụng các khu này như thế nào. Do lịch sử để lại, trụ sở của các cơ sở sản xuất cũ trong nội đô thường có vị trí đẹp, giao thông thuận tiện, hạ tầng tốt. Vì vậy, sau khi di dời, những mảnh đất này sẽ là đất “vàng” mà các nhà đầu tư dự án xây dựng văn phòng, chung cư cao tầng hướng đến. Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã khẳng định không tiếp tục cấp phép xây dựng chung cư cao tầng tại các "khu đất vàng" trong nội đô. Đông đảo người dân đều hoan nghênh chủ trương này. Tuy nhiên, để thực hiện được không hề đơn giản, đòi hỏi bản lĩnh, sự quyết đoán, sáng suốt của lãnh đạo thành phố cũng như sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Biến mỗi cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thành công viên, vườn hoa, nơi vui chơi công cộng là ước mơ của mọi người dân, góp phần làm cho Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.


Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, sinh thái, sạch, công nghệ cao... là một trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020.      Ảnh: Khánh Nguyên

Bà Trần Phương Nga (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín): Phát triển các làng nghề theo hướng sinh thái, sạch, công nghệ cao

Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết 11 nhấn mạnh đến nội dung phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, sinh thái, sạch, công nghệ cao… Đó là một định hướng phát triển hoàn toàn đúng, đặc biệt khi áp dụng cho các làng nghề thủ công. Công nghệ cũ của các làng nghề sơn mài, đúc đồng, làm bún, phở… đang gây ô nhiễm nặng nề cho không ít vùng quê của Thủ đô cũng như không bảo đảm giá thành cạnh tranh hay chất lượng sản phẩm. Thay thế bằng các công nghệ tiên tiến hơn vừa giảm chi phí nhân công, vừa tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi người dân ở các làng nghề còn khó khăn, khó có thể đầu tư một khoản tiền lớn để áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Thành phố cần quan tâm, tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp ở các làng nghề được vay vốn hay giới thiệu những mô hình sản xuất tiên tiến để người dân học hỏi, áp dụng.

Ông Trần Mạnh Cường (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì):Quan tâm đến chất lượng sống của người dân

Xây dựng và phát triển Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại là ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Trong 10 năm qua, bộ mặt đô thị và đời sống người dân Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc. Song sự phát triển về đô thị và thu nhập lại không tương xứng với chất lượng sống của người dân thành phố. Bệnh viện quá tải, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao, đường sá xuống cấp, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, úng ngập trên diện rộng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn… khiến hạ tầng đô thị vốn quá tải lại càng thêm quá tải, gây bức bối cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Thời gian gần đây, thành phố đã có nhiều biện pháp để giảm tải cho hệ thống giao thông, khắc phục phần nào nạn ùn tắc. Tuy nhiên, công tác xử lý úng ngập, xây dựng hệ thống thoát nước, các trạm xử lý nước thải… dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hệ quả là, cứ đến mùa mưa, người dân thành phố lại phải chịu cảnh lụt lội, đường sá, nhà cửa ngập trong nước… Thực trạng này xuất phát từ công tác tổ chức và quản lý đô thị chưa đồng bộ, thiếu khoa học, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Đây là những vấn đề mà lãnh đạo thành phố cần đặc biệt quan tâm để chất lượng sống của người dân và bộ mặt đô thị được cải thiện.

KTS Nguyễn Mạnh Kiên (phường Quảng An,quận Tây Hồ): Phải có quy hoạch tổng thể và kiến trúc đặc thù…

Bất cứ ai khi đặt chân đến một thành phố mới, điều đầu tiên họ quan tâm chính là quy hoạch đô thị, sự đa dạng của kiến trúc và môi trường đô thị của thành phố đó. Những năm gần đây, Hà Nội mọc lên hàng loạt nhà cao tầng, khu đô thị mới với quy mô lớn, song nếu nhìn một cách tổng thể, quy hoạch của Hà Nội vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Ngoài những khu đô thị mới có kiến trúc, thiết kế hiện đại và đồng bộ, hầu hết kiến trúc của những ngôi nhà hai bên đường đều tự phát theo kiểu mạnh ai nấy xây. Rất nhiều tuyến đường vừa mở rộng đã mọc lên những ngôi nhà siêu méo, siêu mỏng... Tất cả những hình ảnh đó tạo nên một tổng thể hỗn độn, thiếu phong cách đặc trưng trong quy hoạch và kiến trúc xây dựng. Mặc dù đã có quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội, song nếu chúng ta cứ dàn trải mà không tập trung xây dựng theo hướng trọng tâm; không xây dựng được những tuyến phố, những khu đô thị với phong cách kiến trúc đặc thù… e rằng Hà Nội sẽ không thể để lại một "dấu ấn" riêng.

Bà Nguyễn Thị Hiền (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức): Tạo cơ chế thu hút nhân tài

Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 là một văn bản nêu rõ những tồn tại cần khắc phục, tạo sự phát triển toàn diện cho Hà Nội. Nghị quyết nêu ra nhiều hạn chế, trong đó có những vấn đề muốn cải thiện được đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian như hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn còn lạc hậu, chưa đồng bộ; khoảng cách giàu - nghèo giữa đô thị và nông thôn còn lớn… Có thể nói đây là những vấn đề tồn tại lâu dài, dai dẳng, không thể khắc phục trong thời gian ngắn. Hạn chế này một phần do tiềm lực kinh tế của thành phố chưa mạnh, chưa đồng nhất, chưa có các ngành kinh tế tạo giá trị lớn có ý nghĩa như bộ khung để nâng đỡ nền kinh tế… Bên cạnh đó, cơ chế thu hút, bồi dưỡng nhân tài cũng phải được chú trọng để tạo "cú hích", dẫn đến chuyển biến trong hành động.

Ông Nguyễn Thanh Hà (Trường Trung cấp Kỹ thuật phòng không không quân): Tránh bệnh thành tích

Nghị quyết số 11 đã đưa ra giải pháp "xây dựng, phát triển, nâng cao vị thế hàng đầu của giáo dục - đào tạo Thủ đô; đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục THPT và trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trường chất lượng cao ở tất cả các bậc học, cấp học…". Đây là hướng đi đúng, đáp ứng được nhu cầu của thời đại và là cái gốc để tạo sự phát triển bền vững của Thủ đô. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, tôi e rằng "bệnh thành tích" sẽ tiếp tục tái phát, nếu chúng ta không có cách điều hành khoa học và không dám nhìn nhận đúng với thực tiễn. Muốn làm được điều này, ngoài góc độ quản lý nhà nước, mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phải thấy được những "lỗ hổng" của nền giáo dục, cần phải lấp đầy để đáp ứng nhu cầu xã hội đang đòi hỏi. Công tác hướng nghiệp cũng cần được thực hiện đầy đủ, toàn diện để lớp trẻ có định hướng đúng đắn cho tương lai.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì): Đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp

Chủ trương xây dựng mô hình nông thôn mới là biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, cải thiện hệ thống hạ tầng là hướng đi lâu dài để phát triển Thủ đô về mọi mặt. Tuy nhiên, tôi thấy các vùng nông thôn chưa có tiềm lực thật sự để phát triển, phần lớn các địa phương đang thực hiện thí điểm chương trình nông thôn mới đều phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước "rót" về… Vì thế, những điều kiện về cơ sở hạ tầng, địa phương đó có thể đạt được, nhưng điều kiện về chuyển đổi ngành nghề, thu nhập… thì đều không đạt, bởi người dân ở các vùng nông thôn chưa thật sự có "lực". Chưa kể, hệ thống các HTX nông nghiệp hiện đang hoạt động cầm chừng, không có sức bật, thiếu thốn về mọi mặt. Nghị quyết 11 đã đề ra nhiệm vụ "phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã"… Nếu không có một sự đầu tư mới theo hướng dồn tổng lực cho các HTX nông nghiệp thì nhiệm vụ này rất khó đạt được như nghị quyết đã đề ra. Tôi mong lãnh đạo thành phố cũng như các ngành chức năng quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này để Nghị quyết 11 thực sự tạo chuyển biến lớn cho Thủ đô.

Ông Huỳnh Thống (Chủ tịch UB MTTQ phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm): Phát triển khu vực hai bên bờ sông Hồng

Ngay sau khi Nghị quyết số 11 được ban hành, Đảng ủy, UBND phường Chương Dương đã chỉ đạo, phối hợp cùng MTTQ và các cơ quan, đoàn thể, tổ chức quán triệt đến hơn 800 đảng viên trên địa bàn. Từ đó, triển khai sâu rộng tinh thần của nghị quyết đến từng chi bộ, tổ dân phố. Các cuộc thảo luận không chỉ tạo điều kiện giúp đảng viên, nhân dân có cái nhìn tổng quát về tình hình phát triển chung của Thủ đô, chỉ ra những ưu điểm và hạn chế mà còn là dịp để cán bộ, nhân dân nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Đa số ý kiến đều cho rằng, những năm gần đây Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn cả về kinh tế - văn hóa - xã hội... nhưng chúng ta mới chỉ quan tâm đến phát triển khu vực phía trong sông mà chưa quan tâm đúng mức đến địa bàn ven sông Hồng. Khu vực hai bên sông hiện nay đang tập trung một lượng dân cư tương đối lớn, song hạ tầng đô thị còn rất yếu kém, lạc hậu. Hệ thống giao thông, đèn chiếu sáng, trường học, chợ búa... không bảo đảm do thiếu đầu tư. Quy hoạch đô thị, hoạt động kinh doanh, buôn bán rất lộn xộn, tự phát, khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mong muốn của chúng tôi là, trong thời gian tới thành phố cần quan tâm đầu tư, cải tạo, phát triển khu vực hai bên bờ sông Hồng thành trung tâm du lịch - thương mại để khai thác thế mạnh, tiềm năng của sông Hồng, đồng thời nâng cao đời sống cho người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.