Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải tạo hồ bằng nguồn vốn xã hội hóa: Đang “đầu voi đuôi chuột”

Đức Bảo - Chí Dương| 10/05/2014 06:40

LTS: Đến nay chỉ khoảng một phần ba trong số hồ do doanh nghiệp đăng ký được cải tạo. Chủ trương cải tạo hồ nội thành bằng nguồn vốn xã hội hóa rơi vào cảnh

LTS: Cách đây 4 năm, khi Hà Nội chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã mời gọi các doanh nghiệp lớn tham gia góp vốn cải tạo 45 hồ trong nội thành. Trong không khí đón mừng Đại lễ, "phong trào" cải tạo hồ chỉ rầm rộ thời gian đầu và kéo dài đến hết năm 2010. Đến nay chỉ khoảng một phần ba trong số hồ do doanh nghiệp đăng ký được cải tạo. Chủ trương cải tạo hồ nội thành bằng nguồn vốn xã hội hóa rơi vào cảnh "đầu voi đuôi chuột"...

Bài 1: Những “lá phổi” hồi sinh

Ngay sau cuộc phát động của thành phố, các hồ thuộc giai đoạn 1 của đề án "Cải tạo môi trường các hồ nội thành Hà Nội" đã thu hút hàng chục doanh nghiệp đăng ký tài trợ cải tạo. Sự "nhập cuộc" tích cực của các nhà tài trợ, các chủ đầu tư đã góp phần thay đổi hoàn toàn bộ mặt cảnh quan và môi trường của các hồ nội thành. Một số hồ ô nhiễm, những "hố chứa rác và nước thải" ngày nào giờ đã thành những "lá phổi xanh" góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nhận hồ bắt tay cải tạo ngay

Vẻn vẹn hơn một tháng sau khi chủ trương xã hội hóa việc cải tạo hồ ở Hà Nội được UBND thành phố phát động, đã có 17 doanh nghiệp (DN) cam kết ủng hộ cải tạo hồ với tổng kinh phí lên tới 309 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1 của Đề án, UBND thành phố giao các DN có tài trợ làm chủ đầu tư, thực hiện cải tạo môi trường 15 hồ, trong đó có hồ Phương Liệt 2 (quận Thanh Xuân), hồ Thạch Bàn 1 và Thạch Bàn 2, hồ Vục, hồ Tân Thụy, hồ Đầu Băng (quận Long Biên), hồ cá Bác Hồ, hồ Cạnh mương (quận Hai Bà Trưng); hồ Đầm Trị, hồ Vả, hồ Tứ Liên, hồ Ải (quận Tây Hồ)... Để tạo điều kiện cho chủ đầu tư, các địa phương có hồ được UBND thành phố giao chủ động dùng vốn ngân sách thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn. Bên cạnh đó, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội có trách nhiệm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư như khảo sát, đo đạc bản đồ hiện trạng, thiết kế, cắm mốc giới..., chủ động phối hợp với chủ đầu tư. Mọi công tác chuẩn bị, phối kết hợp không nằm ngoài mục tiêu tạo một "mặt bằng sạch", thông thoáng cả về thủ tục và trên thực địa, tạo điều kiện tốt nhất để các DN bắt tay vào thực hiện đề án.

Hồ Thạch Bàn sau khi được cải tạo đã sạch và đẹp.


Một trong những DN bắt tay vào thực hiện đề án "Cải tạo môi trường hồ Hà Nội" sớm nhất và "cán đích" với thời gian nhanh nhất phải kể đến Công ty cổ phần (CP) Vincom. Trong số 15 hồ được thành phố đưa vào diện phải được chỉnh trang, cải tạo trong đợt 1, hồ Thạch Bàn 1 với diện tích rộng khoảng 2,5ha được giao cho Công ty CP Vincom như một nhiệm vụ khó khăn, cần phải được hoàn thành trong thời gian gấp. Chỉ sau hơn hai tháng khởi công, Công ty CP Vincom đã tiến hành nạo vét trên 3 vạn mét khối bùn, tạo độ sâu từ 4,2 đến 4,5 mét cho các hồ, định hình tuyến, xây kè, lắp đặt hệ thống chiếu sáng... đồng thời trải nhựa con đường tiếp giáp giữa hai hồ, trồng cây xanh tạo cảnh quan đồng bộ cho cả khu vực. Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom cho rằng, việc đầu tư bao nhiêu tiền để cải tạo hồ không quan trọng mà vấn đề là cách làm. Nếu số tiền ấy để góp phần mang lại không gian sống trong lành và cảnh quan môi trường sạch đẹp cho người dân, đó là sự đầu tư hoàn toàn hợp lý... Đặc biệt, để cải tạo đáng kể môi trường nước trong hồ, toàn bộ hệ thống cống ven hồ đã được thiết kế lại, đưa hệ thống nước thải dẫn xả trực tiếp vào hệ thống cống xả thải chung của thành phố, hồ chỉ nhận nước mưa và trở thành hồ điều hòa chung cho toàn khu vực.

Sau khi hoàn thành cải tạo hai hồ Thạch Bàn 1 và 2, Vingroup tiếp tục được thành phố giao nhiệm vụ chung tay cùng nhân dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cải tạo cảnh quan hồ thuộc Khu di tích lịch sử Chùa Thầy. Đến nay dự án đã hoàn thiện góp phần làm không gian sống tại khu vực tăng lên đáng kể.

Sau công trình cải tạo hào Thành Cổ (Sơn Tây) của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, dự án cải tạo hồ Vả (Tây Hồ) cũng được chủ đầu tư là hai doanh nghiệp UDIC và CIPUTRA bắt tay vào cải tạo ngay. Hồ Vả có quy mô 2,1ha gồm các hạng mục chính như: 250m đường nội bộ với bề rộng 5,5m, vỉa hè rộng 3m; kè xung quanh hồ bằng bê tông với tổng chiều dài 600m; cải tạo và bổ sung hệ thống thoát nước; trồng cây xanh, thảm cỏ, bố trí hệ thống đèn chiếu sáng tạo cảnh quan quanh hồ. Tuy gặp phải một số vướng mắc trong khâu GPMB, song không thể phủ nhận những nỗ lực của các chủ đầu tư trong quá trình thi công dự án. Sau khi khánh thành, hồ Vả đã "lột xác" trở thành một điểm nhấn đẹp về môi trường cảnh quan ngay trước lối vào Khách sạn Thắng Lợi.

Hồ Vả hay còn được người dân địa phương quen gọi là ao Vả, vốn là một nhánh của hồ Tây. Trước đây, do hồ nằm ở vị trí khuất, chỉ lưu thông với hồ Tây bằng một dòng chảy nhỏ, lại bị nước thải của các hộ dân từ khu vực cống Đình xả thẳng trực tiếp vào hồ, cộng với thói quen xả rác bừa bãi của người dân nên hồ Vả biến thành nơi ao tù nước đọng, rác thải ngập ngụa. Không những thế, nhiều hộ dân cũng lấn chiếm mặt hồ để dựng nhà tạm. Với mong muốn có một không gian thoáng đãng để làm nơi sinh hoạt, vui chơi, ngay sau khi thành phố chủ trương xã hội hóa việc cải tạo môi trường hồ Vả, đa số người dân đều tự giác chấp hành việc GPMB, trả đất cho dự án.

Cải thiện môi trường và cuộc sống

Có mặt ở hồ Vả vào cuối giờ chiều, chúng tôi chứng kiến hàng chục "cần thủ" đang say sưa dõi mắt theo những chiếc phao bập bềnh trên mặt nước. Anh Vỹ - chủ hồ cho biết: "Sau khi hồ Vả được cải tạo cả về cảnh quan và môi trường nước, tôi đã mạnh dạn xin Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây được đấu thầu khai thác hồ". Anh Vỹ đã thả xuống hồ hơn 10 tấn cá các loại, vừa nuôi cá, vừa kinh doanh thêm dịch vụ câu cá giải trí. Để giữ gìn cảnh quan và môi trường nước, anh đã đầu tư thêm 5 máy guồng để gạt rác, đồng thời duy trì thường xuyên 5 công nhân có nhiệm vụ đi quanh hồ để vớt rác, dọn dẹp và nhắc nhở người dân không xả rác xuống hồ. Thời gian tới, anh Vỹ còn định sẽ thả thêm nhiều bè thủy sinh để môi trường nước trong hồ luôn được bảo đảm. Bác Nguyễn Duy Khanh - một người dân sinh sống nhiều đời ở làng Quảng An khẳng định: "Sau khi hồ được cải tạo, người dân chúng tôi mừng lắm. Bây giờ thì hồ Vả không chỉ là địa điểm vui chơi, tập thể dục của người dân quanh vùng, mà còn là tụ điểm câu cá giải trí có tiếng...".

Đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, đến nay hồ Thạch Bàn 1 và 2 quận (Long Biên) được đánh giá là mô hình thành công của chủ trương xã hội hóa đầu tư cải tạo hồ. Ngày gắn biển công trình Chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại hồ Thạch Bàn 1 và 2, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh, chủ trương xã hội hóa hệ thống hồ Hà Nội ra đời bắt nguồn từ trách nhiệm của thành phố với nhân dân, trách nhiệm giữ gìn, tôn tạo tài sản quý giá của Thủ đô là hệ thống hồ Hà Nội. Trước đây do thiếu kinh phí và do cả những yếu kém về mặt quản lý, quy hoạch, xây dựng trong đó có hồ nước nên việc cải tạo hồ chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Cải tạo hồ là để góp phần lo cho cuộc sống lâu dài của nhân dân Hà Nội, làm sao cho nhân dân không chỉ có đời sống ngày càng tốt hơn về mặt tinh thần, vật chất mà còn phải được sống trong môi trường bảo đảm chất lượng sinh thái.

Qua hơn 4 năm đưa vào sử dụng, hồ Thạch Bàn 1 và 2 vẫn được coi là mẫu mực cho việc cải tạo những ao tù, nước đọng thành cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp như hôm nay. Điều này đã được ông Lê Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn khẳng định, hai hồ Thạch Bàn 1 và 2 kể từ khi đưa vào sử dụng theo mô hình xã hội hóa chúng tôi luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Để duy trì cảnh quan xanh, sạch, đẹp tạo môi trường sống thoáng đãng, UBND phường luôn đôn đốc các ban, ngành, đoàn thể nhắc nhở mọi người duy trì việc giữ gìn vệ sinh chung hằng ngày, hằng tuần để hồ không chỉ là lá phổi xanh mà còn là địa điểm sinh hoạt công cộng cho cộng đồng dân cư.

Bác Nguyễn Đức Táp (85 tuổi) ở số nhà 59, tổ 1 (phường Thạch Bàn) cho biết, chứng kiến việc đổi thay của một vùng đất từ nơi còn là ao tù thành công viên mới chúng tôi luôn ý thức được những giá trị to lớn này nên vẫn bảo ban con cháu cùng giữ gìn vệ sinh chung. Còn bác Lương Thị Côi (82 tuổi) ở số nhà 5 tổ 1 (phường Thạch Bàn) cho rằng, kể từ khi hai hồ Thạch Bàn 1 và 2 được cải tạo đời sống tinh thần của người dân cũng tăng lên. Người già, trẻ em có chỗ vui chơi còn thanh niên cũng có khung cảnh lãng mạn như công viên để hẹn hò. Cảnh quan sinh hoạt văn minh cũng góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo hồ bằng nguồn vốn xã hội hóa: Đang “đầu voi đuôi chuột”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.