Tuần qua, dư luận bàng hoàng khi mạng xã hội lan truyền một video clip quay cảnh một giáo viên nữ bị chính những học sinh của mình (lớp 7) dồn vào góc lớp, đánh đập, xúc phạm. Hình ảnh và câu chuyện đau xót này như tiếng sét ngang tai làm ai nấy đều lo lắng.
Vẫn biết đây là cá biệt, theo thời gian vụ việc sẽ được giải quyết. Ai có lỗi thế nào, trách nhiệm đến đâu sẽ phải chịu những "hình phạt" tương xứng bởi cơ quan nhà nước và còn bởi lương tâm nữa. Và rồi thì mọi việc cũng sẽ nguôi ngoai... Nhưng vụ việc lần này với kiểu cách bạo lực hội đồng hiếm khi thấy như “cái roi” vừa quất vào chúng ta làm thức tỉnh, nhắc nhở rằng, tình huống đó, vụ việc như thế không nên và cần phải được ngăn chặn để không được xảy ra thêm một lần nào nữa. Đáng lo là nó hoàn toàn vẫn có thể xảy ra với địa phương mình, trường mình, con mình và chính mình (nếu bạn là giáo viên). Nhưng làm gì để ngăn chặn, để phòng ngừa đây? Đó là câu hỏi không dễ trả lời, nhưng cũng không phải bất khả thi, nếu ai cũng coi mình là người trong cuộc.
Thực tế, những gì mà chúng ta dễ thấy trên đường, ngoài chợ, trong hàng quán và ngay cả trong nhà là thói quen ưa dùng bạo lực, là những “cái đầu nóng”. Chỉ cần va chạm nhẹ, một vài lời nói không lọt tai hay ánh nhìn không thiện cảm là những lời thách thức, chửi bới tuôn ra. Nếu phía đối diện cự cãi thì “chân tay” sẽ “lên tiếng”. Bạn đã lần nào dừng chờ đèn đỏ còn 3 giây mà không cho xe chuyển bánh liền bị người sau bấm loạt còi “đuổi” đi chưa? Mà nếu bạn vẫn không đi thì có bị “còi mồm" bắn liên thanh “những lời cay đắng” hay không? Tôi thì bị thường xuyên, chỉ vì cái quan niệm “đã chờ thì chờ cho chót, đèn vẫn đỏ mà đã đi thì chờ làm gì”. Còn nhỡ bị chửi thì tôi hay nhịn (vì nghĩ “có gặp nhau mấy đâu”), nên cũng may chưa bị đánh lần nào... Với người không nhịn giỏi thì đánh nhau là cái chắc, nó là "chuyện thường ngày ở huyện" rồi.
Ngoài đường căng thẳng, “stress” còn được đem về nhà. Trong gia đình, không ít ông bố, bà mẹ cũng có thói quen dùng bạo lực. Vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt là "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Thấy con hư, bảo không nghe lời là “cho biết tay”; tệ là cái roi vung lên quất xuống người con trẻ thường cho hả giận nhiều hơn là để dạy dỗ.
Ngày thường đã đành, ngày Tết chủ yếu là sum họp vui vẻ mà dường như “tay chân vẫn đỡ thay mồm miệng”. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cơ quan chức năng công bố con số giật mình, chỉ có 4 ngày mà cả nước xảy ra tới những 2.000 vụ cấp cứu do đánh nhau. Tết năm trước là 3.000 vụ.
Bạo lực ngoài xã hội có xu hướng tăng; ở trong nhà trường, không chỉ học sinh với nhau, mà giáo viên “hành xử thiếu chuẩn mực” với nhau và với học sinh của mình cũng không ít. Nói là lại thấy buồn lòng, cách đây chưa lâu, một giáo viên ở huyện Sóc Sơn đã túm cổ áo kéo lê học sinh từ hành lang vào lớp...
Con em chúng ta nhạy cảm, lại thông minh. Người lớn ưa dùng bạo lực, chẳng lẽ chúng lại không biết học theo? Lại có câu “Trẻ em như tờ giấy trắng, vẽ gì lên đó là quyền của người lớn”... Vì vậy, muốn phòng ngừa bạo lực ở trẻ, nhất định người lớn phải làm gương. Tấm gương sáng nhất, gần gũi nhất không ai khác là cha, mẹ, là thầy, cô giáo... Bạn đừng coi điều này là sáo rỗng: Hãy nói không với bạo lực! Mầm yêu thương, "bất bạo động" cần được vun trồng từ trong mỗi gia đình, cộng đồng, tới từng lớp học và trong mỗi chúng ta.
Cũng xin nói thêm là chẳng phải ngẫu nhiên mà mục “Góc nhìn văn hóa” cách đây hơn hai tuần đề cập các vụ bạo lực học đường xảy ra ở một trường ở Hà Nội và một trường ở Đắk Lắk đã sử dụng tiêu đề “Chúng ta đã chậm” để nhắc nhở phải sớm triển khai các giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường...
Thêm vụ việc lần này nữa, có lẽ chúng ta càng phải nhanh hơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.