(HNMO)- Đến hẹn lại lên, Búp sen vàng - giải thưởng danh giá và quan trọng nhất cộng đồng làm phim trẻ “Chúng ta làm phim” sẽ lại được tổ chức vào tháng 7 tới.
Phim tài liệu: xã hội chân thực qua những câu chuyện nhỏ
7 đề cử phim tài liệu của Búp sen vàng 2013 kể lại 7 câu chuyện đời thường nhưng hiện lên đầy lý thú qua cái nhìn của những nhà làm phim trẻ, qua đó phản ánh xã hội hiện đại từ nhiều phương diện khác nhau.
Một cảnh trong "Tôi đi bán tôi" |
“Tôi đi bán tôi” của tác giả Mạc Phạm Ngọc Hà là một ví dụ điển hình. Bộ phim kể lại một lát cắt trong cuộc sống mưu sinh của những người làm cửu vạn thuê. Theo chân người lao động, tác giả đưa người xem vào gần hơn những tâm sự, những ước mơ và những lo sợ của họ.
Điều đặc biệt của bộ phim là tác giả đã ghi lại được những khoảnh khắc vui đùa thân thiết giữa những người cửu vạn. Đó là khi họ kiếm thêm được lẵng hoa thừa, đốt lửa sưởi ấm ngày đông giá rét, hay là khi trêu chọc lẫn nhau. Tuy cuộc sống bấp bênh, nhiều trắc trở, họ vẫn giữ được tính lạc quan, vui vẻ, dường như không màng đến tất cả những tranh đấu vì mưu sinh. Xã hội lạnh lẽo, khắc nghiệt của thành phố làm họ càng gắn bó như một gia đình.
“Chúng tôi đã cưới” - câu chuyện về bộ đôi đặc biệt Nguyễn Hà Phương và Mai Thị Búp. |
“Chúng tôi đã cưới” lại là một câu chuyện rất khác biệt của bộ đôi Nguyễn Hà Phương và Mai Thị Búp. Hơn một tháng sống cùng nhân vật, hai tác giả đã quay lại được những thước phim quý giá về một cặp vợ chồng đặc biệt. Đó là chị Thêm và anh Hạnh, bị thiểu năng bẩm sinh.
Cả bộ phim là những câu chuyện sinh hoạt thường ngày của đôi vợ chồng nhưng mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc lẫn lộn. Đó là những nỗi tủi nhục không tên của người vợ, người chồng khéo léo tùy cơ, lúc động viên, lúc trêu đùa mà làm chị lại vui lên.
Những khoảnh khắc họ vui đùa với cháu bé hàng xóm làm người xem càng xót xa vì biết, họ không bao giờ được phép có con, ngay cả họ dường như cũng không biết điều này. Bó hoa anh hái tặng chị ngoài đồng và những câu hát vu vơ của chị về tình yêu với anh có lẽ là những khoảnh khắc gây xúc động và lưu giữ lại trong tâm trí khán giả nhất toàn bộ phim.
Ngoài ra, bộ phim “Nguyên Linh” của tác giả Lê Thu Minh cũng để lại ấn tượng mạnh về đề tài nạo phá thai, những bạn trẻ đi nhặt thai nhi bị vứt bỏ. Người xem bị day dứt, ám ảnh vì những hình ảnh đau xót, đôi khi đến tàn bạo của bộ phim.
Có thể nói năm nay, các bộ phim tài liệu tham gia Búp sen vàng thực sự thay đổi về mặt đề tài, nội dung cũng như cách thể hiện. Các tác giả trẻ, những người còn đang ngồi trên ghế giảng đường, tuy không được đào tạo chính quy nhiều năm về điện ảnh, nhưng đã thể hiện cái nhìn về cuộc sống, xã hội hiện đại rất chân thật. Chính những tác phẩm như thế này phần nào sẽ tác động đến ý thức của cộng đồng hơn.
Phim truyện – sự trải nghiệm sống của các tác giả.
Phim truyện của Chúng ta làm phim ngày càng trở nên đồng điệu về chất lượng, thể hiện sự trưởng thành trong niềm đam mê của các nhà làm phim trẻ không chuyên. 5 đề cử là 5 câu chuyện nhỏ nhẹ nhàng, rút ra từ chính những trải nghiệm sống của các tác giả.
Phim "Ngoài kia có gì" |
“Ngoài kia có gì” của đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh kể lại hoàn cảnh điển hình của những đứa trẻ sống ở tập thể thập kỉ trước: bị cha mẹ nhốt trong nhà cả ngày, không được ra ngoài chơi. Qua những khao khát được ra ngoài của cậu bé Minh, chúng ta bắt gặp lại hình ảnh của chính mình trong những năm tháng ấu thơ. Câu chuyện hồn nhiên, ngây thơ với sự diễn xuất chân thực, sâu sắc không ngờ của những diễn viên nhí không chuyên đã làm khán giả bất ngờ và đồng cảm với xúc cảm của bộ phim.
Phim “Trang 69” |
“Trang 69” và lớn tự khắc biết lại là góc nhìn đầy hài hước về sự giáo dục giới tính cho trẻ em trong xã hội hiện đại. Những tò mò rất tự nhiên của các em, cộng với sự lơ là của cha mẹ đã dẫn đến những hiểu lầm rất ngây ngô và dễ thương. Cái kết mở của bộ phim gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự giáo dục trong gia đình, để lại nhiều vấn vương trong tình cảm và suy nghĩ của khán giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.