(HNM)- Ông Jim Winkler, nguyên Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI) cho rằng: Nếu giảm đi 40% thủ tục hành chính thì Việt Nam sẽ tiết kiệm được 2,8-6,5 tỷ USD/năm. Như vậy là chúng ta đang bị lãng phí một nguồn lực lớn bởi hệ thống thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều phức tạp, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp (DN).
Cải cách thể chế hành chính hướng đến việc cải cách mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với công dân, tổ chức và các thiết chế xã hội khác. Vì vậy, 10 năm qua, cải cách thể chế được đặc biệt coi trọng trong tiến trình thực hiện cải cách hành chính (CCHC) và đã đạt được kết quả tích cực nhất trong 4 nội dung (cải cách thể chế hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công). Để tạo lập môi trường pháp lý cho các hoạt động kinh tế - xã hội, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới ngày càng nhiều, nhưng về chất lượng vẫn còn những hạn chế. Điều này thể hiện ở nhiều văn bản sau khi ban hành một thời gian ngắn đã cần có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Thực tế, quá trình cải cách thể chế của chúng ta đang có chiều hướng chậm hơn so với yêu cầu phát triển của xã hội.
Theo ông Scott Jacobs, chuyên gia tư vấn Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh của VN (VNCI), Việt Nam có nhiều nỗ lực cải cách, cải thiện luật pháp nhưng các quốc gia khác còn tiến nhanh hơn. Vì thế, năng lực thể chế của Việt Nam vẫn giảm mạnh trong biểu đồ xếp hạng thế giới.
Mặc dù các cơ quan đã có những điều chỉnh trong cách thức giải quyết công việc của dân trong những năm qua nhưng có thể nhận thấy cách làm việc của các cơ quan nhà nước còn chậm được đổi mới nên còn ít nhiều gây tốn kém thời gian và tiền của của Nhà nước, nhân dân và DN. Vấn đề sửa đổi thủ tục đã được chọn làm ưu tiên, song đến nay công việc này vẫn còn bộn bề. Theo ông Đỗ Quốc Sam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, hiện nay, nước ta có 155 giấy phép chỉ do cơ quan TƯ cấp; 56 giấy phép chỉ do chính quyền địa phương cấp (Sở hoặc UBND); 69 giấy phép vừa do TƯ và địa phương cấp. Việc xin các giấy phép do cơ quan TƯ cấp thường phức tạp khó khăn và tốn kém cho người xin phép nhiều hơn so với giấy phép do cơ quan địa phương cấp. Trường hợp giấy phép do cơ quan TƯ cấp, nhưng người xin phép phải làm thủ tục qua UBND cấp tỉnh, thì việc xin phép còn khó hơn, tốn kém và kéo dài hơn.
Đặc biệt, việc đăng ký kinh doanh ở Việt Nam vẫn phải mất 50 ngày với 11 thủ tục là sự cách biệt khá xa với thế giới (cùng hoạt động này ở Canada chỉ cần ba ngày với hai thủ tục). Bên cạnh đó, những thủ tục hậu đăng ký kinh doanh cũng là một trở ngại lớn cho các DN. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, các DN cần có 260 ngày để hoàn tất 13 TTHC trước khi có thể triển khai sản xuất. Thực tế này được lý giải bởi nhiều lý do: sự chồng chéo, bất hợp lý của các thủ tục; sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; sự thay đổi của những quy định phức tạp và thường xuyên. Chính sự rườm rà đó khiến DN vừa phải chờ đợi quá lâu vừa phải tốn thêm những chi phí ngoài những quy định của Nhà nước. Kết quả điều tra, khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới tiến hành tại các địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với hoạt động của các DN tại địa phương là: vốn, nguồn nhân lực, TTHC, cơ sở hạ tầng, đất đai và thuế. Có tới trên 75% DN dân doanh khẳng định sẽ tăng đầu tư phát triển nếu có điều kiện thuận lợi, trong đó có việc TTHC phải được đơn giản hóa.
Đề án 30 đã hoàn thành là một thành tựu to lớn và quan trọng về CCHC, song để có kết quả bền vững cần duy trì thường xuyên việc rà soát TTHC. Trước mắt, để các DN có thể đứng vững trong nền kinh tế thị trường, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường trên các phương diện về thể chế thị trường vốn và tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ, thị trường lao động, thị trường dịch vụ. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả CCHC nói chung, cải cách thể chế hành chính nói riêng, Nhà nước cần có biện pháp để tăng cường tiếng nói từ cộng đồng xã hội đối với các nội dung cải cách. Các cơ quan quản lý hành chính cần lắng nghe người dân và DN nhiều hơn để có thể điều chỉnh thể chế cho phù hợp, tạo ra sức bật mới cho tiến trình cải cách và phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.