(HNMO) – Theo tính toán, việc kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo mô hình mới sẽ tiết kiệm cho nền kinh tế tới 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) mỗi năm.
Chiều 24-9, Tổng cục Hải quan đã tổ chức họp báo giới thiệu Đề án "Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, được Chính phủ giao soạn thảo Đề án, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp với các hiệp hội, bộ, ngành, doanh nghiệp, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia, phù hợp với điều kiện Việt Nam để xây dựng Đề án: “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Hiện đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Theo Tổng cục Hải quan, dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã thực hiện đánh giá tác động của đề án một cách độc lập, khách quan cho thấy hiệu quả mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Cụ thể, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn, cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hơn cho nền kinh tế.
Căn cứ tỷ lệ số liệu kiểm tra chuyên ngành năm 2019 do Tổng cục Hải quan cung cấp, dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ tính toán dựa trên dữ liệu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) mỗi năm.
Cũng theo tính toán về thời gian và chi phí tiết kiệm cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm khi triển khai thực hiện theo mô hình mới, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được 86.166 tờ khai (khoảng 54,4%), giảm từ 158.424 tờ khai (số liệu tờ khai của năm 2019) xuống còn 72.258 tờ khai; tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong một năm: 2.484.038 ngày (giảm từ 3.965.394 ngày xuống còn 1.481.356 ngày); chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.